Phát huy giá trị nền văn hóa cổ

Thứ ba, 16/04/2019 10:30

Về làng Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trong dịp diễn ra Lễ hội "Về với cội nguồn" năm 2019, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng ở miền quê này. Điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, ở nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính mang nét văn hóa truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cộng đồng. Bên cạnh đó, xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là câu chuyện của xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế nâng cao thu nhập mà còn là quá trình xây dựng và bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi mái nhà. Tình làng nghĩa xóm đã được tích lũy hàng trăm năm nay, dù có đô thị hóa nông thôn thế nào chăng nữa thì vẫn phải giữ được "hồn" quê trong việc bảo tồn cảnh quan, kiến trúc, văn hóa đậm nét truyền thống theo cách làm riêng và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương. 

Thế hệ trẻ Hòa Nhơn tái hiện trò chơi dân gian "Ô ăn quan" tại lễ hội đình làng Phước Hưng.

Trong xu thế phát triển, nhiều con đường ở làng Phước Hưng được mở rộng, bê-tông hóa. Thế nhưng, qua bàn bạc thảo luận giữa các cấp chính quyền và người dân, con đường làng trước ngôi đình cổ Phước Hưng vẫn giữ được dáng dấp xưa với hàng cây xanh mát uốn lượn theo dòng chảy từ đập Ba ra về tưới tiêu cho các cánh đồng rộng lớn, vừa giúp người dân đi lại thuận lợi, vừa không đánh mất cảnh quan trong làng. Ngoài việc hiến đất mở đường, người dân còn đóng góp công sức để trùng tu, tôn tạo các di tích cổ xưa như: dinh Ông, dinh Bà, miếu Tam vị... và các thiết chế văn hóa NTM. Theo lão nông Huỳnh Ngọc Lệ, mỗi dịp hội làng, người dân từ làng trên, xóm dưới đều tụ họp về ngôi đình thắp nén hương thành kính dâng lên tổ tiên, báo cáo những việc đã làm trong thời gian qua và cầu mong may mắn, đủ đầy và hạnh phục cho mọi người, mọi nhà. Đặc biệt là vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, các chư phái tộc còn tổ chức tuyên dương những cá nhân có thành tích trong học tập, lao động, sản xuất. Từ đó, nêu gương để con cháu noi theo và phấn đấu. Nhờ những hoạt động đó, việc bảo tồn và phát huy truyền thống quý báu của làng Phước Hưng luôn được duy trì và góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho người dân. "Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại hồn cốt cho làng quê Việt. Vì vậy cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mỗi người dân trong làng cũng cần phải có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc phát huy giá trị nền văn hóa cổ", cụ Huỳnh Ngọc Lệ cho biết thêm.

Có thể nói, văn hóa làng quê giữ vai trò then chốt trong tiến trình xây dựng NTM. Xác định được điều đó, mỗi dân làng Phước Hưng luôn ý thức rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, đến việc xây dựng con người với lối sống đạo đức cũng đều bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa lâu đời của làng quê thông qua việc xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn văn hóa, thực hiện nghiêm túc hương ước văn hóa làng, xã...

VY HẬU