Phất lên từ trầm hương

Thứ tư, 09/09/2009 00:00

Kỳ 1: Trầm hương đưa người về nẻo thiện

(Cadn.com.vn) - Nói về nghề tìm trầm thì nổi nhất là chuyện những “thợ rừng” làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam trúng đậm hơn 140kg trầm hương, bán được hàng chục tỷ đồng trong chuyến tìm trầm ở khu rừng Nước Chè, H. Kon PLong, Kon Tum cuối năm 2007; chuyện trúng đậm trầm kỳ ở một con suối H. Ba Tơ, Quảng Ngãi; rồi chuyện người dân trúng trầm trên một vạt rẫy ở Đắc Lắc năm 2008... Nhưng thực ra, đó chỉ là những thông tin đồn thổi của những tay thương lái trầm kỳ, tạo ảo tưởng cho biết bao thân phận đổ xô lên những cánh rừng đại ngàn săn lùng thứ nhựa cây đắt gấp mấy lần vàng có sức hút ma lực ấy.

 Chẳng biết những người thợ rừng năm xưa ở làng Mỹ Hảo có còn “ngậm ngải” lang thang trên những cánh rừng đại ngàn heo hút nữa không, nhưng trầm vẫn là thứ hàng hóa đặc biệt, có sức hút mãnh liệt với nhiều người. Bây giờ ở Quảng Nam có những người cũng một thời lang thang “ngậm ngải tìm trầm” như những thợ rừng làng Mỹ Hảo, đang làm giàu từ trầm ở ngay chính quê hương mình.

Về Tiên Phước, Quảng Nam những ngày cuối tháng 8-2009, tôi được các cán bộ ở UBND huyện cho biết một thông tin khá hấp dẫn: “Có một “tay” trước đây đã có thâm niên hơn chục năm chuyên vượt núi, băng rừng để săn tìm trầm hương, bây giờ đã giải nghề, nhưng vẫn lấy nghiệp trầm làm kế mưu sinh, anh đã mở một Cty kinh doanh trầm ở Đà Nẵng, lại là một CA viên. Trong những năm qua, cơ sở chế biến, sản xuất hàng mỹ nghệ trầm hương của anh đã nuôi dưỡng, đào tạo được hàng chục thanh thiếu niên hư, có việc làm, thu nhập ổn định, trở thành những thanh niên tiến bộ, góp phần giữ gìn tốt ANTTXH địa phương...”. Lần theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến nhà người đàn ông có câu chuyện đặc biệt ấy, anh là Nguyễn Hảo (1964, trú thôn 5, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam).

Anh Nguyễn Hảo giới thiệu một sản phẩm trầm cảnh đã hoàn thành chuẩn bị xuất ra thị trường.  

Vừa kinh doanh, chế biến trầm, anh Hảo hiện đang là CA viên của xã Tiên Mỹ, anh kể: Năm 1985, cũng như bao thanh niên ở vùng núi bán sơn địa Tiên Phước, anh nhập đội quân “ngậm ngải tìm trầm”. Hầu như suốt cả núi rừng trên dãy đại ngàn Trường Sơn đến tận những cánh rừng già ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đều có dấu chân những thợ rừng săn trầm kỳ như anh. Đi tìm trầm là công việc vô cùng vất vả nguy hiểm, nhiều chuyến đi trở về trắng tay, nhưng cũng có chuyến trở về với những ba lô nặng trầm kỳ. Hồi đó, 1kg trầm loại 1 (trầm Zách) đã có giá tới vài ba trăm triệu đồng, tiền tiêu như nước.

Nhưng cái nghiệp trầm, người ta bảo “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, rủng rỉnh tiền bạc đấy, nhưng sau mỗi chuyến đi là lại trắng tay, bởi những cuộc chơi thả sức, bù lại những ngày băng rừng lội suối. Rồi sốt rét, bệnh tật hoành hành, có người đã phải bỏ xác lại nơi rừng sâu, núi thẳm. Đến năm 1990, anh Hảo bỏ hẳn nghiệp đi săn trầm, chuyển sang kinh doanh, chế biến trầm ngay tại quê hương... Tôi hỏi, nghề làm trầm vất vả, cực nhọc thế, sao anh vẫn theo? Anh Hảo cười: “Nói bỏ là tôi bỏ không đi núi săn tìm trầm nữa, mà lại chuyển sang thu mua, chế biến trầm tại địa phương...”. Tiên Phước từ xưa tới nay, vẫn nổi tiếng là một vùng có giống cây trầm gió chất lượng rất cao, được người dân trồng rất nhiều ở các vùng đồi núi, rẫy vườn của mình. Nếu để cho cây trầm phát triển tự nhiên, phải 50-60 năm, thậm chí cả trăm năm sau mới khai thác được.

Trong quá trình đi theo nghề trầm, anh Hảo đã học được phương pháp cấy trầm trên cây gió, chính anh là một trong những người đầu tiên đưa phương pháp cấy trầm trên cây gió về Tiên Phước. Bằng phương pháp này, cây gió trầm chỉ sau hơn 10 năm tuổi đã có thể khai thác, chế biến cho ra sản phẩm trầm hương. Vậy là từ những năm 1990, anh Hảo chuyển hẳn sang công việc chuyên đi khoan cấy ghép trầm, thu mua trầm về chế biến nhựa trầm và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây trầm. Cho đến thời điểm hiện tại, anh Hảo đã có trong tay hơn 1.000 cây trầm gió hơn 10 năm tuổi, có giá trị 30-40 triệu đồng/cây. Ngoài ra, anh còn đi khoan cấy ghép trầm cho bà con nông dân tận các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và đến Bình Dương, Khánh Hòa, Lâm Đồng... Để thuận lợi cho công việc, đầu năm 2007, cùng với một số bạn bè, anh Hảo hùn vốn mở Cty TNHH mang tên “Hảo Tường”, hiện có văn phòng giao dịch kinh doanh tại số 129A-Phan Thanh, TP Đà Nẵng. Sản phẩm của Cty đã xuất vào TPHCM, sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Singapore... doanh thu hằng năm lên tới hơn 2 tỷ đồng.

 Anh Nguyễn Hảo hướng dẫn các em thanh thiếu niên vi phạm pháp luật học nghề chế biến trầm hương.

Vừa sản xuất, kinh doanh trầm hương, anh Hảo vẫn hăng hái tham gia vào các công tác xã hội ở địa phương với tư cách là một CA viên của xã Tiên Mỹ. Anh tâm sự, là một người CA, anh rất trăn trở về thực trạng trong nhiều năm qua ở địa phương còn nhiều thanh thiếu niên, do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, hoặc đua đòi chơi bời lêu lổng đã bỏ học sớm, không có công ăn việc làm, dẫn tới có những hành vi vi phạm pháp luật, có những trường hợp chính quyền và cơ quan pháp luật phải xử lý rất nặng về hành vi phạm tội của các em. Thường xuyên làm công tác tuyên truyền phòng chống vi phạm pháp luật, anh đề xuất với Ban CAX, UBND xã cho mình được tiếp nhận, quản lý số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tại địa phương để dạy nghề, tạo công việc làm có thu nhập ổn định cho các em.

Từ năm 2008 đến nay, hàng chục thanh thiếu niên đã được anh Hảo tiếp nhận quản lý và dạy nghề, đến nay nhiều em đã có tay nghề vững vàng, trở thành những người thợ chế biến, sản xuất chính của Cty như các em Nguyễn Thành Tín (1992), Trương Công Phát (1991), Nguyễn Quý Biên (1992)... Hiện kể cả số thanh thiếu niên đã từng vi phạm pháp luật và người lao động khác, Cty của anh Hảo có gần 30 công nhân, với mức thu nhập hằng tháng 1,5-2 triệu đồng.

Nhận xét về anh, nhiều người bảo rằng, nghề trầm hương và cây trầm hương của anh đặc biệt hơn tất cả là ở chỗ nó đưa được nhiều thanh thiếu niên hư trở về nẻo thiện. Còn anh, khi chia tay, anh Hảo tâm sự: “Cây trầm và trầm hương đã có từ bao đời nay, nó là một thứ hàng hóa có giá trị cao về lợi nhuận. Có thể lâu nay nhiều người vẫn hiểu trầm hương là một thứ hàng hóa mà chỉ có một số người nào đó độc quyền, để có nó phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt, thậm chí bằng cả máu. Nhưng riêng tôi, trầm hương không chỉ là thứ hàng hóa để tôi mua bán làm giàu, mà trầm hương được tôi đổi bằng sức lao động thật sự, chân chính ngay trên quê hương, công việc đó sẽ làm cho nhiều người biết yêu lao động hơn, kể cả những người chưa từng biết yêu lao động...”.

Phóng sự: Hồng Thanh

 (còn nữa)