Phát triển con người Việt Nam dưới góc nhìn của trí thức trẻ

Thứ ba, 24/09/2013 23:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-9, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển con người Việt Nam dưới góc nhìn của trí thức trẻ”, với sự tham gia của nhiều đoàn viên, thanh niên.

Vấn đề phát triển con người trên thế giới và Việt Nam được trí thức trẻ nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu ở các chuyên ngành con người, phát triển bền vững, triết học, kinh tế học, dân tộc học, xã hội học...

Thay đổi nhận thức và thực tiễn phát triển đã giúp cho chỉ số phát triển con người Việt Nam không ngừng được cải thiện. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố, chỉ số phát triển con người Việt Nam, từ năm 1990 đến 2012 đã tăng 0,21 điểm. Thành tựu phát triển con người của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là một thành công tiêu biểu cho nhóm các nước đang phát triển, về khả năng tương tác cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển con người.

Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Quỳnh, Viện Triết học cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, cạnh tranh để phát triển, lượng tri thức tăng lên gấp bội. Nhiều khái niệm, phương thức hoạt động đang thay đổi hằng ngày, kể cả phương thức tư duy, phương thức đưa ra quyết định và phương thức học tập. Trong khi đó, thời gian và vật chất của cuộc sống con người dường như ngày càng eo hẹp hơn. Dù vậy, muốn tồn tại và phát triển, mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại buộc phải học tập không ngừng để thích nghi cao độ với những biến động và do đó, xã hội trong thế kỷ 21 sẽ luôn là xã hội hướng tới học tập không ngừng, học tập ở khắp mọi nơi và bằng mọi phương tiện.

Một nhận thức chung của các trí thức trẻ là phát triển con người là mục tiêu của phát triển bền vững, là mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang hướng đến. Chiến lược phát triển bền vững đã đạt được những thành tựu đáng kể, đời sống của người dân, đặc biệt là các nước ở Châu Á và Châu Phi đã được cải thiện đáng kể. Nhưng ở một phương diện nào đó, phát triển bền vững còn mang tính hình thức và phong trào khi mà nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng, nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn còn hiện hữu trong một thế giới hiện đại. Nhiều chỉ số phát triển còn mang tính danh nghĩa và chưa bền vững, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Do đó, để có một quốc gia phát triển bền vững thì vai trò, ý thức và hành động của mỗi cá nhân, tổ chức cũng như vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, các chính phủ là vô cùng quan trọng.

Dưới tác động của khoa học - công nghệ hiện đại, văn hóa, con người, nguồn nhân lực trở thành những thành tố của quá trình thống nhất, phát triển nhưng cũng làm biến động các giá trị đã được hình thành từ truyền thống, tạo ra những giá trị mới, làm phong phú thêm nền văn hóa, đời sống văn hóa. Thành tựu của khoa học - công nghệ ứng dụng trong giáo dục đã thúc đẩy quá trình phát triển tri thức của con người trong thời đại hiện nay.

Minh Nguyệt