Phát triển du lịch biển

Thứ bảy, 21/12/2013 11:41

(Cadn.com.vn) - Với gần 100 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa mang theo 103.000 lượt khách quốc tế trong năm 2013, du lịch biển Đà Nẵng đã đón lượng khách gần gấp đôi so với năm 2012.

Việc chiếm tới 13,6% lượng khách quốc tế đến thành phố đang cho thấy những cơ hội để phát triển du lịch thông qua cảng biển và những chuyến tàu hạng sang. Cũng chính từ đây đặt ra bài toán làm thế nào để đủ năng lực đáp ứng về chất lượng dịch vụ, khai thác hết tiềm năng.

Tấp nập cảng Tiên Sa

Theo số liệu thống kê tại BCH Biên phòng Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường biển gồm rất nhiều quốc tịch khác nhau. Trong số này, top đầu vẫn là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Sở VH-TT&DL cho hay, năm nay khách du lịch tàu biển tăng đột biến so với năm ngoái. Các hãng tàu lớn như SuperStar Aqurius, Henna đã đều đặn 1 chuyến/tuần mang theo khoảng 1.400 khách du lịch cập cảng Tiên Sa.

Cạnh đó, các hãng tàu như Costa Classia, Azamara Quest, Seabourn Pride cũng bắt đầu khai thác những tour khám phá Đà Nẵng với lượng khách ngày càng lớn. Với nhiều điểm tham quan độc đáo, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, các đơn vị lữ hành như Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng, Văn phòng đại diện Destination Asia Việt Nam, Cty TNHH Vũng Tàu, CN Cty CPDL DV Hội An, Cty TNHH TM DL&DV Sông Hàn... đang tập trung khai thác nguồn khách đến với Đà Nẵng thông qua đường biển.

Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho biết, những năm tiếp theo, hãng tàu Star Cruise tiếp tục đưa tàu biển cao cấp 5 sao quốc tế Super Star Aquarius theo định tuyến Hải Nam - Hạ Long - Đà Nẵng. Thị trường khách du lịch này tuy mức chi tiêu không cao nhưng số lượng lớn và thường xuyên, đó là một điều kiện quan trọng để Đà Nẵng phát huy hơn nữa thế mạnh từ tuyến đường biển này.

Cho đến nay thì lượng khách du lịch Trung Quốc bằng đường biển đã xếp vị trí thứ nhất trong nhóm thị trường khách du lịch đường biển đến Đà Nẵng. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường biển ngày một tăng chính là việc cải thiện môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ.

Thời gian gần đây, công tác đón và phục vụ khách du lịch đường biển của các DN lữ hành được thực hiện tương đối tốt, đảm bảo an toàn cho khách và thời gian các chương trình tham quan. Ngành du lịch đã bố trí quầy thông tin du lịch cung cấp thông tin miễn phí cho du khách, đội sứ giả cung cấp, trả lời thông tin về du lịch thành phố, cung cấp các ấn phẩm, dịch vụ tốt cho khách, bố trí đội xích lô, taxi... giúp du khách an tâm trong chuyến đi của mình.

Để đáp ứng yêu cầu, Cảng Đà Nẵng đã đầu tư khu vực đón khách du lịch tàu biển với việc nâng cấp khu nhà để trống gần vị trí đón khách trước đây thành khu nhà bán hàng lưu niệm, làm mới nhà chờ, xây mới nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, Cảng đã phối hợp với Biên phòng xây dựng chương trình “Môi trường văn hóa cửa khẩu cảng Tiên Sa” nhằm xây dựng cửa khẩu cảng Tiên Sa là địa bàn có môi trường văn hóa tốt, ANTT ổn định.

Khách du lịch đến Đà Nẵng qua đường biển ngày càng tăng. Ảnh: CÔNG KHANH

Làm sao để khai phá hết tiềm năng?

Trong danh sách bình chọn của các tạp chí, các tổ chức có uy tín trên thế giới, Đà Nẵng thường xuyên có tên với tư cách là thành phố có nhiều điểm đến hấp dẫn, môi trường du lịch tốt, thu hút du khách, đặc biệt là lĩnh vực du lịch biển. Điều đó cho thấy, với những lợi thế của mình, chính quyền và ngành chức năng đã có hướng đi đúng để khai phá tiềm năng.

Mới đây nhất, TP đã đề xuất tiếp tục hỗ trợ đầu tư dự án nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 (nâng cấp Cảng Đà Nẵng trở thành cảng biển hàng đầu của Việt Nam theo hướng phát triển hàng container và tàu khách du lịch) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Một phần Cảng Tiên Sa sẽ trở thành Cảng du lịch mang tầm cỡ quốc tế, nhằm thu hút các tàu lớn 5 sao (hơn 3.000 khách) đến tham quan tại thành phố.

Song song với việc này, để thu hút và giữ chân du khách, ngành chức năng cũng đang tập trung phát triển du lịch sinh thái và du lịch đường sông để bổ sung vào chương trình tour cho khách, mang đến cho du khách trải nghiệm mới. Các đơn vị phối hợp như đội chuyên trách trật tự du lịch của UBND quận, Phòng CSTT, CA của phường, quận, đội quy tắc đô thị, đã có sự phối hợp triển khai lực lượng đảm bảo ANTT tại các điểm đỗ xe trung chuyển, điểm tham quan, mua sắm...

Tuy vậy, Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng mình có. Ông Trần Chí Cường nhìn nhận, do chưa tận dụng hết nguồn tài nguyên du lịch nên các tour tuyến, sản phẩm du lịch mới vẫn chưa thật sự hấp dẫn. Là TP du lịch nhưng Đà Nẵng hiện vẫn chưa có những sản phẩm thật sự đặc trưng, điều này gây cảm giác nhàm chán cho du khách.

Cạnh đó, du lịch Đà Nẵng còn chưa thể chuyên nghiệp được bởi vẫn mang tính thời vụ. Theo các đơn vị lữ hành, đơn cử như trong dịp đón Tết cổ truyền này, phần lớn các dịch vụ nằm trong chương trình tour tham quan TP (tranh XQ, chợ Hàn...) đều không hoạt động. Nghĩa là lượng du khách đến TP trong thời gian này không thể sử dụng các dịch vụ tại chỗ. Và thay vì ở lại, khách sẽ theo tour đi tiêu tiền ở Huế hoặc Hội An.

Thậm chí, trong những đợt cao điểm, việc di chuyển ngay sau khi cập Cảng Tiên Sa để về nội thành vẫn còn khó khăn khi mà số lượng xe du lịch 30-40 chỗ ngồi không đủ đáp ứng.

Đà Nẵng - thành phố đầu biển cuối sông có đủ tiềm năng để mời gọi và giữ chân du khách. Vấn đề còn lại là sự chuyên nghiệp, bài bản mà thôi.

Đông A