Phát triển du lịch thông minh là mô hình tất yếu

Thứ sáu, 04/01/2019 09:00

Phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi công nghệ thông tin (CNTT) phát triển hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Ở Việt Nam hiện cũng đã có những tiền đề nhất định để phát triển mạnh du lịch thông minh trong thời gian tới. Theo ông Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch): Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là CNTT truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng. Thuật ngữ "du lịch thông minh" mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra ở nước ta.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước ta cũng rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm định hướng triển khai ứng dụng CNTT truyền thông vào phát triển KT-XH, trong đó có du lịch. Thể chế chính sách đi trước là điều quan trọng để khai thông, mở đường và tạo điều kiện nền tảng, hành lang pháp lý cho phát triển du lịch thông minh. Đặc biệt, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, khẳng định "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước". Trong đó, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tất yếu phải có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết 08 cũng nêu 3 khía cạnh ứng dụng khoa học công nghệ với các hoạt động du lịch gồm: Xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý nhà nước... Với hệ thống văn bản pháp quy như đã nói, có thể khẳng định thể chế chính sách của Việt Nam hiện tương đối đầy đủ, rõ ràng, là căn cứ pháp lý vững chắc để triển khai phát triển du lịch thông minh.

Có thể nói cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch Việt Nam. Gần như 100% các doanh nghiệp du lịch đã có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đã có wifi miễn phí và dịch vụ này đang được nhiều địa phương thực hiện. Nhiều di tích đã ứng dụng robot thuyết minh đa ngôn ngữ... Để hỗ trợ hoạt động du lịch của du khách, các địa phương cũng đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh, nhất là các tỉnh, thành phố lớn được coi là những trung tâm du lịch của cả nước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu: các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng rất nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh. Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán. Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch. Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới. Do đó, toàn ngành du lịch cũng như các địa phương dù đã nỗ lực nhưng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng tiếp cận, thích ứng với du lịch thông minh trong tương lai...

T.G