Phát triển giáo dục toàn diện cho con em công nhân lao động

Thứ tư, 22/11/2017 09:04

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn quốc hiện có trên 344 khu công nghiệp (KCN) thu hút hơn 2,8 triệu lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp, đóng góp phần lớn vào GDP. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có hơn 70% là lao động nữ, thực trạng nhu cầu gửi con của công nhân lao động (CNLĐ) hiện nay là rất cao. Làm thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ, đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em là con CNLĐ làm việc tại các KCN là nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị sơ kết đánh giá giai đoạn 1, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2 đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục tại KCN, khu chế xuất đến 2020" (gọi tắt đề án) do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN) vừa tổ chức tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc có trường mầm non dành cho con em CNLĐ.

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập quá tải

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giáo dục mầm non rất quan trọng, đây là giai đoạn "vàng" quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ. Trước việc các KCN ngày càng thu hút nhiều lao động thì bài toán làm thế nào để đảm bảo, hướng đến giáo dục toàn diện cho nhóm trẻ này là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập đang trở nên quá tải, không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho con CNLĐ, trong khi nhóm trẻ có nhu cầu ra lớp ở đối tượng này rất cao. Trước thực trạng đó, ngày 20-2-2015, Chính phủ quyết định phê duyệt đề án với mục tiêu đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em đồng thời hỗ trợ nữ CNLĐ có con dưới 36 tháng tuổi và giao cho Trung ương HLHPNVN phối hợp với các bộ, đơn vị tổ chức triển khai giai đoạn 1 trên phạm vi 10 tỉnh/TP.

Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch HLHPNVN cho biết, đề án chính là "nấc thang" và bước khởi đầu để chương trình giáo dục toàn diện, khoa học thật sự đến với con các CNLĐ. "Nhiều khảo sát đã chỉ rõ rằng nhu cầu gửi con của CNLĐ tại các nhóm lớp đảm bảo chất lượng và an toàn là rất lớn, trong khi sự phát triển của các nhóm, lớp độc lập tư thục không đảm bảo chất lượng ngày càng nhiều, đặc biệt là các nhóm tự phát trông trẻ tại gia đình. Sự quan tâm của ngành giáo dục đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục còn hạn chế do thiếu nguồn lực cả vật chất và con người", bà Hương nói.

Chính từ thực tiễn này, ngay sau khi đề án đưa vào áp dụng thực tế, nhiều tỉnh/TP hưởng ứng mạnh mẽ. Qua 3 năm triển khai, có 8/10 tỉnh/TP đã hỗ trợ kiện toàn, thành lập mới 283 nhóm/lớp độc lập tư thục, trong đó có 245 nhóm được hỗ trợ, kiện toàn, 38 nhóm được thành lập mới, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1 (200 nhóm); đã có 165.170 tài liệu, tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền về "Hướng dẫn theo dõi sự phát triển của trẻ dưới 36 tháng tuổi", "Cách chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, "Thông điệp về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ", "Chăm sóc sự phát triển toàn diện của trẻ từ 0-36 tháng tuổi"… đến người quản lý, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách trung ương, ban điều hành đề án phối hợp với 10 tỉnh/TP tổ chức 60 cuộc truyền thông nâng cao nhận thức cho 120 nghìn bà mẹ, người chăm sóc trẻ tại địa bàn các KCN, hơn 500 buổi tuyên truyền cho hơn 33.876 bà mẹ là CNLĐ về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ.

Đà Nẵng đặt mục tiêu 80% con CNLĐ được giáo dục toàn diện 

Tại Đà Nẵng, lượng CNLĐ đến làm việc và cư trú trên địa bàn ngày càng tăng đã đặt ra cho thành phố bài toán kiện toàn và quản lý các loại hình giáo dục mầm non, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhu cầu gửi trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục ở những vùng di dời giải tỏa, KCN, KCX. Hiện, toàn TP có 205 trường mầm non, trong đó loại hình ngoài công lập chiếm tỷ lệ 65,9%; số lượng nhóm lớp độc lập tư thục quy mô từ 8 - 50 trẻ (được cấp phép) phát triển mạnh với 705 nhóm; nhóm dưới 7 trẻ là 407.

Điều này cũng cho thấy, bên cạnh sự phát triển tốt của các trường ngoài công lập và một số nhóm, lớp độc lập tư thục thì cơ sở vật chất, đội ngũ làm công tác bảo mẫu, cấp dưỡng ở các nhóm trẻ còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vì mức thu học phí, tiền ăn thấp cộng với thời gian giữ trẻ linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của cha mẹ là CNLĐ nên các nhóm giữ trẻ tồn tại và phát triển nhanh về quy mô. Đây là thực tế khách quan và cũng là sức ép về quản lý, chỉ đạo thực hiện chất lượng cơ sở giáo dục trẻ ở nhóm trẻ độc lập tư thục tại Đà Nẵng.

Hưởng ứng đề án, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cấp kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng triển khai thực hiện. Nhiều kết quả thiết thực, mang đến tín hiệu tích cực đã áp dụng vào thực tế như kêu gọi Tổ chức Half the Sky Foundation (Mỹ) tài trợ hơn 70 tỷ đồng xây dựng "Trung tâm chăm sóc giáo dục mầm non, OneSky - Đà Nẵng", đến nay đã khánh thành, thu nhận 250 trẻ con CNLĐ nghèo.

Đồng thời, UBND TP đã cấp phép cho 5 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai xây dựng trường mầm non tư thục tại 4 phường trên địa bàn có các KCN trị giá gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh, nhiều đề án của Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả như: "Quy hoạch tổng thể ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn 2030", nội dung đề án nêu rõ các quận/huyện ưu tiên dành tối thiểu để xây dựng 5-7 trường mầm non; hay đề án "Sữa học đường giai đoạn 2016 -2017" giúp hơn 19 nghìn trẻ mầm non được uống sữa với kinh phí 21 tỷ đồng…

"Thực tế vẫn có hơn 75% CNLĐ trên địa bàn TP vẫn phải ở trong các khu nhà trọ không đảm bảo và vẫn còn nhiều CNLĐ có nhu cầu gửi con. Với giai đoạn 2 của đề án sẽ hiện thực hóa 80% con CNLĐ được gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non chất lượng, hướng đến hỗ trợ giáo dục toàn diện, phát triển khỏe mạnh cho con em CNLĐ", bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch HLHPN TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

PHI NÔNG