Phát triển nông thôn mới theo hướng bền vững, kết hợp chuyển đổi số
Chiều ngày 23-7, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trình bày trước Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ngay sau đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các đại biểu đã thảo luận ở tổ về chương trình này.
Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Tràng Đà, Tuyên Quang. |
6 đề án trọng tâm để phát triển nông thôn mới
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau 10 năm triển khai, Chương trình nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là "to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử" song trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả giữa các địa phương; người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
Với nguyên tắc "Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể," Chương trình giai đoạn 2021-2025 tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới, khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, cụ thể là nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn. "Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ triển khai 6 đề án, chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới gồm: Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng cho hay vốn ngân sách Trung ưng hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 khoảng 39.632 tỷ đồng, trong đó ngân sách cho 6 đề án này là khoảng 4.300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách, ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.
Cần tránh lãng phí nguồn lực đầu tư
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, việc tiếp tục thực hiện Chương trình nông thôn mới là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. "Ủy ban Kinh tế tán thành nội dung và phạm vi Chương trình nông thôn mới được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư," ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.
Về yêu cầu nguồn vốn cho Chương trình, Ủy ban Kinh tế cho rằng giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, dự kiến thu ngân sách Nhà nước khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, quốc phòng, an ninh… Do vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành phương án bố trí vốn cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng và đề nghị trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối vốn để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói thêm rằng trong quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững.
Nhóm PV