Phát triển thủy điện đã “hài hòa lợi ích” chưa?

Thứ sáu, 04/11/2016 13:31

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-11, tại phiên thảo luận về KT-XH, trước những băn khoăn, lo ngại của các đại biểu liên quan đến các dự án còn tồn đọng, việc phát triển năng lượng nhiệt điện, thủy điện, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.

Nhiều dự án “tồn đọng”

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, không chỉ 5 dự án gồm gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học của Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ tồn đọng mà còn nhiều dự án khác có nguy cơ tồn đọng, vì diễn ra trong quá trình dài, đồng thời có nhiều vướng mắc, thay đổi cả về bối cảnh và từng dự án. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã tổng hợp, đánh giá rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện những tồn tại của các dự án này, như: thực trạng; quá trình điều hành; vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý, chủ đầu tư; xác định rõ các biện pháp, giải pháp thực hiện các dự án này theo nguyên tắc: Bảo vệ, giữ gìn lợi ích của Nhà nước, không thất thoát thêm vốn của Nhà nước, phù hợp với những nguyên tắc của kinh tế thị trường, hiệu quả mục tiêu đầu tư của dự án; xác định làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét xử lý.

Thực tế thời gian qua cho thấy, một số dự án đã có sự tham gia của các bộ quản lý chủ quản cũng như quản lý và các cơ quan có liên quan, như: Xơ sợi Đình Vũ đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc và hiện nay đang trong giai đoạn chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ; các dự án Gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đang cho thanh tra và sẽ báo cáo thủ tướng về các biện pháp dứt điểm theo đúng 5 nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng khẳng định liên quan các dự án tồn đọng này, thời gian tới cần làm rõ hơn nữa trong công tác quản lý những nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt cần làm rõ vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển thị trường, phát triển sản xuất, gắn với thị trường; xác định rõ những lĩnh vực tạo điều kiện để các doanh nghiệp khác tiếp cận với cơ hội phát triển sản xuất cũng như cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, qua các dự án này đã bộc lộ những sự khiếm khuyết, “lỗ hổng” trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là khung pháp lý cũng như thể chế, vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành về hiệu quả của nguồn vốn Nhà nước, quy trình, thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và xã hội; cần phải làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với nguồn vốn trong các doanh nghiệp nhà nước thời gian tới. Trách nhiệm của các bộ chủ quản, bộ chuyên ngành cần phải xem xét lại việc chấp hành, tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là khâu chất lượng của các dự án đầu tư; làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý của nhà nước, đặc biệt là những tồn tại, vi phạm pháp luật nhà nước trong hoạt động quản trị, điều hành các hoạt động đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước của ngành công thương. Ảnh: VGP

Cần làm rõ việc thủy điện xả lũ

Liên quan đến việc phát triển năng lượng cũng như đảm bảo về vấn đề môi trường, nhiệt điện, thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn  Anh  nêu rõ: Đây là lĩnh vực rất ưu tiên của ngành Công Thương và trên thực tế, đến năm 2025, các nguồn năng lượng điện, như: nhiệt điện than, thủy điện vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng, để đảm bảo cân đối cơ cấu cung cầu cho phát triển đất nước. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đã quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Phần lớn các dự án điện đều được thực hiện theo công nghệ của các nước tiên tiến nhưng nảy sinh vấn đề: tổng thầu và các nhà thầu không chấp hành hoặc không có điều kiện chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến thiết bị công nghệ đó; vì vậy đây là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong thực hiện pháp luật nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn tới, ngành điện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tiêu hao điện; đổi mới các công nghệ sử dụng điện - đây cũng là nội dung cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế, nhất là các ngành kinh tế sử dụng điện tăng cao. 

Đối với lĩnh vực thủy điện, Bộ trưởng khẳng định đây là lĩnh vực được Bộ Công Thương rất quan tâm, thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước để đảm bảo lợi ích của nhân dân cũng như phát triển hài hòa của xã hội, nhất là ở những vùng bị tác động. Thực tế, các dự án di dân tái định cư ở Sơn La, Lai Châu cũng như các thủy điện lớn tác động đến các vùng dân cư đều là những dự án ưu tiên của nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện tại các địa phương theo Nghị quyết 62 của Quốc hội. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã báo cáo đầy đủ các nội dung chi tiết liên quan đến công tác này.

Không đồng tình với giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng cần làm rõ các các vấn đề: việc tích nước, xả lũ của các công trình thủy điện chưa đúng quy định; đặc biệt là việc vận hành, xả lũ của các công trình thủy điện tại miền Trung có đúng quy trình, có đúng pháp luật không? Các công trình thủy điện này trong thời gian qua đã làm tốt chức năng là vào mùa khô hạn thì cung cấp nước để phục vụ sản xuất, vào mùa mưa lũ thì tích nước, hạn chế lũ lụt hay chưa?

Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định đời sống của người dân tại các vùng triển khai các dự án thủy điện là được đảm bảo; tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu nêu vấn đề đời sống người dân ở vùng tái định cư các dự án thủy điện còn rất khó khăn. Quốc hội đã có Nghị quyết giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát lại để tái đầu tư, làm cho đời sống của người dân ở vùng thủy điện tốt lên. Đề nghị Bộ trưởng quan tâm để sự quan tâm, chủ trương, điều hành của Bộ Công Thương phải đáp ứng được đời sống của người dân ở vùng thủy điện - đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Thu Thủy – TTXVN