Phật viện Đồng Dương - thời oanh liệt nay còn đâu? (2)

Thứ hai, 25/05/2015 10:44

* Kỳ cuối: Công cuộc thâm nhập dĩ vãng

Ám ảnh cổ vật, vàng “Hời”

(Cadn.com.vn) - Những đêm sáng trăng, ngồi nghe các cụ già trong làng kể về cổ vật, vàng Hời, những nấm mộ hình mu rùa đầy ma quái của người Chiêm Thành, tuổi thơ tôi cứ cuốn hút bởi những câu chuyện cổ tích về một miền đất thánh gần 500 năm...

Cuối năm 1988, ông T (Lò Sứ, xã Bình Quí, Thăng Bình) phát hiện một chiếc ấm bằng vàng sau một lần rà tìm phế liệu. Chiếc ấm được bán cho một tiệm vàng ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Ông T giàu lên, bỏ nghề rà tìm phế liệu. Chuyện "hũ vàng" lộ thiên lan truyền, khiến nhiều kẻ săn vàng trở lại Phật viện Đồng Dương để tìm kiếm. Sau đó không lâu, một lần đi dọc quốc lộ 1A, ông T bị tai nạn, chết thảm. Lời nguyền về cái chết do người Hời đòi lại vàng lại được nhắc đến một lần nữa. Người dân ở thị trấn Hà Lam cũng không quên cái chết do tai nạn kinh hoàng của con một chủ tiệm vàng lớn, nơi chuyên thu mua vàng từ tháp cổ Đồng Dương. Nhờ một người tộc Trà mách bảo, chủ tiệm vàng bí mật đem tất cả số vàng Hời đã mua được chôn trở lại chân tháp cổ.

Kể từ ngày ấy, gia đình của họ mới bình yên, bản thân chủ tiệm vàng "tai qua nạn khỏi". Một lần, có vị khách sang trọng đi xe biển số Hà Nội đến Phật viện Đồng Dương để tham quan. Thấy Tháp Sáng còn sót lại một phần bức phù điêu có hoa văn rất đẹp, ông bằng cạy lấy mang về làm kỷ niệm. Không biết chuyện gì đã xảy ra, người khách đó đã vội vàng từ Hà Nội quay trở lại Đồng Dương, âm thầm trả lại những gì đã lấy. Cách đây không lâu, có 2 "đại gia" Đà Nẵng lên tận Đồng Dương mua tượng Chăm cổ, trên đường về ban đêm, họ đã đâm vào trụ điện.

Tai nạn khủng khiếp ấy khiến một người chết, một người bị trọng thương... Những câu chuyện tương tự như vậy được đồn thổi, truyền miệng ngày càng ly kỳ, ma quái và đầy ám ảnh khiến nhiều người phải run sợ. Người họ Trà ở Đồng Dương khẳng định, chỉ có họ mới được quyền lấy tài sản của người Chăm với điều kiện sử dụng tại chỗ. Nếu mang ra khỏi khu vực, họ sẽ gặp nạn ngay lập tức cho dù chỉ là một viên gạch. Lời nguyền của người Chiêm Thành về vàng Hời và cổ vật được truyền tụng. Người dân quê tôi ngày ấy mỗi lần qua Tháp Sáng đều cúi đầu, không dám liếc mắt nhìn vì sợ những tai họa khôn lường sẽ giáng xuống đầu họ bất kỳ lúc nào...

Người Pháp đã từng trùng tu Phật Viện Đồng Dương.

Gian nan chuyện  trùng tu

Năm 2000, Phật viện Đồng Dương được Bộ VH-TT xếp hạng di tích Quốc gia. Thế nhưng những gì còn lại của di tích này chỉ là một mảng tường tháp cổng (dân địa phương gọi là "Tháp Sáng"), nền móng và các dấu vết kiến trúc. Tất cả đã bị tàn phá bởi con người và thời gian. Theo GS Hoàng Đạo Kính, việc phục dựng lại di tích Phật viện Đồng Dương hoàn toàn không đơn giản. Nếu trùng tu thánh địa Mỹ Sơn là công việc thách thức cho các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế thì Đồng Dương cũng sẽ vô cùng gian nan. Cái khó của di tích Phật viện Đồng Dương là sự hoang tàn, đổ nát gần như bình địa.

Tài giỏi, cẩn trọng và nhiệt huyết như các nhà trùng tu H.Slimann, N.Balanos cũng phải đắn đo lắm mới dám chạm tay vào. Theo ông, điều đầu tiên là chúng ta cần phải nhìn nhận đây là một di tích lịch sử, là chứng nhân tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hóa. Phật viện Đồng Dương, nếu ta giải mã được, sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh đang trôi tuột vào dĩ vãng. Công việc phục chế, trùng tu phải theo bài bản khảo cổ học kinh điển, tiếp cận tổng thể, đồng bộ, tránh sự thiên vị về phương diện này hoặc quan điểm kia, đề cao tính khách quan lịch sử, dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng mà không bị làm cạn kiệt.

Tháng 8-2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã có một cuộc hội thảo bàn về công tác quy hoạch, khôi phục lại khu di tích Phật viện Đồng Dương. Đây là một đề tài nghiên cứu vô cùng giá trị của các nhà khoa học và các cơ quan chức năng về văn hóa, kiến trúc lịch sử Chămpa và nhân loại. Chúng ta phải có cách ứng xử chuyên biệt và khoa học đối với di tích như cách nói của TS Trương Quốc Bình: "Trước hết phải đối xử với di tích quốc gia Đồng Dương theo đúng quy định của Luật Bảo vệ di sản, tạo ra nhận thức rộng rãi từ người dân địa phương đến các cộng đồng rộng lớn hơn". Mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn, tiến hành khai quật và trùng tu.

Sau những cuộc hội thảo khoa học, chính quyền và các ngành chức năng từ T.Ư đến địa phương phải bắt tay vào công việc với thái độ nghiêm túc, cầu thị để thực hiện cho bằng được công trình khoa học này: "Phải cứu cho được, giữ cho được nhưng không tùy tiện mà phải có bước đi thật khoa học, lập tư liệu khoa học lưu trữ, coi Đồng Dương là di tích kiến trúc-khảo cổ học. Khảo cổ và bảo quản trùng tu phải tiến hành đồng thời. Không thể khai quật rồi để đấy, phải giữ được hiện trạng và càng phải ít can thiệp để tránh nhầm lẫn, tránh làm giả di tích!" (GS Hoàng Đạo Kính). Phát biểu về công việc này, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả đã khẳng định quyết tâm "Trước mắt tỉnh sẽ lập đề án, khoanh vùng, khảo cổ bảo quản trùng tu, tôn tạo, chống đỡ cứu vãn các di tích hiện có, đồng thời xã hội hóa các khu vực phụ cận thành khu văn hóa tâm linh tín ngưỡng".

Có thể nói rằng, kế hoạch trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương sẽ vô cùng phức tạp. Công việc này cần có một phương án khả thi, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện các giải pháp truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội đối với di tích. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tích cực vận động chính quyền, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để tìm nguồn kinh phí và hỗ trợ trong công tác bảo tồn di tích Chămpa nổi tiếng này. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang có phương án xây dựng một nhà bảo tàng để trưng bày các cổ vật ngay trên mảnh đất Phật viện Đồng Dương.

Không biết Dự án trùng tu Phật Viện Đồng Dương đã thực hiện đến đâu nhưng đến nay, cảnh vật vẫn điêu tàn, hoang vắng. Mỗi lần về lại Thăng Bình (Quảng Nam), lên những đồi sim bạt ngàn ở vùng trung du (Bình Định, Bình Trị,...), ngang qua khu phế tích, lòng tôi lại dâng lên nỗi xót xa, thương tiếc một thành phố lộng lẫy của vương quốc Chămpa đang trôi dần vào quên lãng.

Văn Khoa