Phê bình tử tế

Thứ hai, 21/09/2020 06:42

Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị cuối năm, cuối nhiệm kỳ, hoặc tổ chức rút kinh nghiệm sau một đợt phát động thi đua... sẽ tiến hành kiểm điểm đánh giá những việc ưu điểm, thành quả đạt được để kịp thời động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến có cách làm sáng tạo, năng động mang lại hiệu quả rõ nét.

Mặt khác, qua kiểm điểm cũng mạnh dạn, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị còn tồn tại để có giải pháp và định hướng tập trung khắc phục, sửa sai. Có như vậy thì việc kiểm điểm phê bình mới có ý nghĩa thiết thực.

Thực tế cho thấy, ở đâu không quán triệt tốt các mục đích, yêu cầu cơ bản trên của việc kiểm điểm, thì ở đó dễ xảy ra tình trạng kiểm điểm qua loa cho xong chuyện, làm cho có để khỏi mang tiếng “bớt xén” quy trình (?!). Khi kiểm điểm trách nhiệm tập thể thì thường mang tâm lý “thế nào cũng được” nên người đóng góp ý kiến có vẻ dễ chịu hơn, thoải mái hơn, nhưng đến khi kiểm điểm từng cá nhân thì xem ra không dễ nói chút nào, bởi cũng tâm lý là chẳng ai “dài hơi” đi phê bình người khác có khi phải chuốc oán vào thân. Có khi việc sai phạm của người khác rõ như ban ngày mà chẳng dám phê bình thẳng, lại quanh co góp ý theo kiểu ngấm ngầm luật bất thành văn “tôi nể anh thì anh phải nể tôi”!

Theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì vấn đề kiểm điểm từng cá nhân và tập thể trước đại hội là việc hết sức quan trọng, chắc chắn yêu cầu “nói thẳng, nói thật” trong nội dung sinh hoạt lần này phải được đặt ra đúng tầm, đúng hướng.

Sinh thời, khi nói về vấn đề tự phê bình, phê bình, sửa chữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng trên báo Nhân dân, số 874, ra ngày 26-7-1956, trong đó có đoạn:

“Tự phê bình là cá nhân, (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ.

Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ…” (*).

Thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ, thì dù bất cứ ai khi có điều kiện phê bình, mỗi người chúng ta, nhất là cán bộ đảng viên, đặc biệt là người có chức vụ càng cao phải chân thành đóng góp nhau thật cởi mở trên tinh thần xây dựng để cùng nhau tiến bộ, góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội cộng đồng thêm trong sáng, mẫu mực.

Chỉ xét riêng ở khía cạnh phê bình thì yêu cầu làm sao đạt được sự “tâm phục, khẩu phục” của chính người được đóng góp, có như thế thì việc phê bình mới thật sự đáng trân trọng. Theo kinh nghiệm thì khi xem xét, đánh giá chính xác “năng lượng” hiện tại của người được góp ý phê bình, phải hội đủ các thành tố “khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển”, nếu xem nhẹ hoặc bỏ qua bất cứ một thành tố nào sẽ là sai sót khi kết luận về người được góp ý phê bình.

Tuy nhiên, trong thực tiễn phong phú và đa dạng của xã hội hiện nay, với các mối quan hệ xã hội chằng chịt, đan xen nhau thì việc phê bình cũng bị những người có ý đồ xấu lạm dụng để hại người khác do tư thù, hiềm khích cá nhân, Cho nên chuyện không thành có, chuyện tốt thành bình thường, chuyện đáng học tập làm theo lại bị tẩy chay bôi xấu .v.v…và “sản phẩm” trái khuấy này sẽ tìm dịp thuận lợi để khởi sự, có khi người lạm dụng phê bình diễn đạt khéo léo đến mức không dễ gì nhận ra ngay dã tâm của họ. Vậy họ là ai? Chắc chắn đó là những người mang tư tưởng hẹp hòi, mang nặng chủ nghĩa cá nhân…tranh thủ tung các “chiêu bài” nhằm hại người khác mọi lúc, mọi nơi để thu về lợi ích nhỏ nhen ích kỷ nào đó. Đây là điều cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo trong quá trình tham gia phê bình hiện nay!

Làm sao để mọi người đều phải thật lòng, tử tế đối xử với nhau, đừng lạm dụng phê bình để hại nhau và biết đâu…hại cả chính mình, là câu hỏi đòi hỏi mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên phải trả lời bằng được, phải thực sự “kích hoạt” lương tri, trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, phải kiên quyết chống lại tư tưởng thủ tiêu đấu tranh trước các vụ việc tiêu cực của xã hội hiện nay, không vì sợ “trả đũa” mà im lặng làm ngơ, coi như mình không có trách nhiệm!

MAI MỘNG TƯỞNG