Phe nổi dậy người Rohingya tuyên bố ngừng bắn

Thứ hai, 11/09/2017 10:06

Lực lượng nổi dậy người Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong một tháng, bắt đầu vào ngày 10-9 trong bối cảnh những người tị nạn tiếp tục vượt biên giới sang Bangladesh đang đối mặt với đói nghèo và bệnh tật.

Người tị nạn Rohingya chờ nhận thức ăn do các tình nguyện viên địa phương phân phát
tại Kutupalong, Bangladesh hôm 9-9. 
    Ảnh: AP

"Trong tuyên bố ngừng bắn trên mạng xã hội Twitter, lực lượng nổi dậy "Đội quân cứu thế Arakan Rohingya" (ARSA) tuyên bố tạm thời chấm dứt "các hoạt động tấn công quân sự" và kêu gọi "các nhóm nhân đạo liên quan nối lại việc hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo này trong thời gian ngừng bắn, cho dù họ thuộc tôn giáo hay sắc tộc nào". ARSA cũng kêu gọi chính phủ Myanmar đáp lại tuyên bố ngừng bắn này để giúp các nạn nhân. Chính phủ Naypyidaw chưa đưa ra bình luận gì về tuyên bố này, nhưng hôm 9-9, các nhà chức trách cho biết sẽ thành lập 3 trại cứu trợ ở vùng có đa số người Rohingya sinh sống.

Thực phẩm, nơi trú ẩn, an toàn

Gần 300.000 người Rohingya chạy nạn đến Bangladesh và 30.000 người không theo đạo Hồi đã rời bỏ quê hương tại Myanmar sau khi quân đội nước này mở cuộc phản công tiếp sau các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy ARSA nhằm vào 30 đồn cảnh sát và 1 căn cứ quân sự vào ngày 25-8.

Theo LHQ, 294.000 người tị nạn Rohingya kiệt sức giờ đây đã đến Bangladesh, trong khi hàng chục ngàn người khác vẫn đang ở bang Rakhine, sau hơn 2 tuần không có nơi trú ẩn, thực phẩm và nước. 3 người Rohingya được báo cáo đã thiệt mạng trong một vụ nổ mìn gần biên giới. Hơn 27.000 người theo đạo Phật và đạo Hindu ở Rakhine cũng đã chạy trốn bạo lực đã lan rộng khắp vùng phía bắc của bang này.

LHQ đã kêu gọi các khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 77 triệu USD để giúp người Rohingya. Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) ở Bangladesh hoan nghênh tuyên bố ngừng bắn vì các cơ quan cứu trợ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của "cuộc khủng hoảng nhân đạo" tại đây. Misada Said, Điều phối viên Dự phòng và Truyền thông, của ICRC, nói với AFP: "Làm thế nào có thể giải quyết được một dòng người lớn? Họ muốn nơi trú ẩn, họ muốn có một nơi an toàn".

Tại một trại tạm thời gần Shamlapur, Bangladesh, những người tị nạn Rohingya không tin rằng, lệnh ngừng bắn sẽ cho phép họ trở về nhà bất cứ lúc nào. "Họ (quân đội Myanma) yêu cầu chúng tôi bỏ chạy hoặc họ sẽ đốt tất cả chúng tôi. Làm sao chúng ta có thể tin lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực?", Hafez Ahmed, 60 tuổi, cho biết. Nhưng Hashem Ullah, một nông dân 33 tuổi đến từ một làng ở phía tây Maungdaw, nói rằng ông sẽ trở lại nếu có thể.

Phản ứng của các nước

Theo tuyên bố ngày 9-9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ kêu gọi ngay lập tức chấm dứt bạo lực, đồng thời hối thúc quốc gia đồng minh này hành động kiềm chế, trong bối cảnh làn sóng người Hồi giáo Rohingya chạy nạn sang nước láng giềng Bangladesh.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết: "Chúng tôi hối thúc giải quyết tình hình tại bang Rakhine một cách kiềm chế và chín chắn, tập trung vào công tác bảo vệ dân thường bên cạnh việc bảo vệ an toàn cho các lực lượng an ninh. Điều cấp thiết hiện nay là chấm dứt tình trạng bạo lực và khôi phục tình trạng bình thường một cách nhanh chóng". Bộ này bày tỏ lo ngại về làn sóng người tị nạn hiện nay.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại về tình trạng người Rohingya chạy sang Bangladesh để trốn tránh bạo lực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, Washington sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác, trong đó có Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), ICRC và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng này. Ngoài ra, Washington cũng hoan nghênh nghĩa cử của Bangladesh khi phản ứng với cuộc khủng hoảng nhân đạo này, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực liên tục của Dhaka trong việc đảm bảo sự hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng.

Kể từ tháng 10-2016, chính phủ Mỹ cung cấp gần 63 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Myanmar phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cùng ngày, Australia cam kết viện trợ tới 5 triệu AUD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Rohingya và kêu gọi giới chức ở Myanmar kiềm chế và bảo vệ cuộc sống của dân thường.

AN BÌNH