"Phép lạ" mang tên Adib Rizvi
(Cadn.com.vn) - Hệ thống y tế công cộng Pakistan ngày càng hỗn loạn do tham nhũng, quản lý yếu kém và thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, có điểm sáng hiếm hoi, đó là bệnh viện công tại Karachi, nơi đang chăm sóc sức khỏe miễn phí cho hàng triệu người. Bệnh viện này ra đời từ ước mơ của bác sĩ Adib Rizvi- người muốn mang đến ý tưởng tương tự như Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh (NHS).
Là người dành cả cuộc đời làm nhiệm vụ cung cấp "dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng miễn phí", bác sĩ Rizvi khiêm tốn đi quanh bệnh viện kiểm tra từng bệnh nhân. Ông luôn được họ coi là người bạn, người mà họ tin tưởng và rất tôn trọng. Hầu hết những bệnh nhân này sẽ không còn chỗ nào chuyển đến để được chăm sóc đặc biệt nếu không được điều trị miễn phí tại Viện Tiết niệu và Cấy ghép Sindh (SIUT).
Lấy cảm hứng từ NHS
Bác sĩ Rizvi chỉ mới 17 tuổi khi cuộc bạo loạn Hindu giáo và Hồi giáo nổ ra, buộc ông phải di chuyển từ Ấn Độ đến đất nước mới thành lập Pakistan. Ông trở thành sinh viên y khoa ở Karachi trong những năm 1950 và sống trong ký túc xá nội trú. "Trong những ngày đó, tôi có nhiều thời gian để quan sát những gì diễn ra tại các bệnh viện", ông nhớ lại.
"Mọi người cầu xin, từ bỏ lòng tự trọng để được điều trị bệnh, mà lẽ ra đây là quyền công dân của họ", bác sĩ Rizvi kể lại. Sau khi hoàn thành bằng y khoa tại Karachi, bác sĩ Rizvi nhận học bổng đến Anh học phẫu thuật. Ở đó, ông trải qua thập kỷ làm việc tại các bệnh viện. "Tôi rất khâm phục NHS. Nó cho tôi thấy rằng việc cung cấp chăm sóc y tế miễn phí là có thể làm được", ông nói. Nhưng khi trở về Pakistan vào năm 1971 và làm việc tại Bệnh viện Dân sự Karachi với vai trò trợ lý giáo sư về tiết niệu, hầu hết mọi người xung quanh nói với ông rằng, ý tưởng này là không tưởng. Nhưng ông và các cộng sự vẫn ấp ủ ước mơ.
Bác sĩ Adib Rizvi (đứng giữa) và các nhân viên vào những năm 1970. Ảnh: BBC |
Dự án "lén lút"
Sự cống hiến và làm việc chăm chỉ của họ có kết quả. Chậm nhưng chắc, bác sĩ Rizvi mở thêm các dịch vụ mới, nhưng vẫn theo một quy tắc: luôn miễn phí. Vào cuối những năm 1970, NHS phục vụ hàng trăm bệnh nhân chạy thận. Đó là khi bác sĩ Rizvi và nhóm của ông nhận ra rằng, họ không thể tiếp tục như thế này và đã đến lúc bắt tay vào giai đoạn tiếp theo của cuộc hành trình - cấy ghép nội tạng.
Vào thời điểm đó, không có cơ sở y tế nào ở Pakistan có khả năng cấy ghép thận. Một lần nữa, bác sĩ Rizvi và nhóm của ông bị từ chối cấp phép. Quyết tâm theo đuổi phẫu thuật cấy ghép, bác sĩ Rizvi trở lại Anh và sau đó đến Mỹ tiếp thu các công nghệ mới nhất.
Sau khi trở về nước vào đầu những năm 1980, bác sĩ Rizvi bắt đầu phát triển đội ngũ bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên và các nhân viên khác đào tạo phẫu thuật cấy ghép. Tầng thượng một trong những tòa nhà bệnh viện trở thành trại chăn nuôi bí mật. Nó phục vụ như một phòng thí nghiệm thực hành, nơi chó, lợn, khỉ và các động vật khác được chăm sóc và phẫu thuật.
Thành tích quốc gia
Và đến lúc thực hiện ca cấy ghép nhân đầu tiên. Vào tháng 12-1985, họ đã thực hiện ca ghép thận thành công đầu tiên của Pakistan. Nó được thực hiện khá lặng lẽ trong phòng tiết niệu bởi vì, như ông Rizvi nói, "chúng tôi không muốn làm một việc lớn". Khi các phương tiện truyền thông và chính phủ nhận được báo cáo, sự kiện này được xem như thành tựu quốc gia. Cho đến nay, gần 5.000 ca ghép nội tạng miễn phí được thực hiện, bên cạnh 750 bệnh nhân được lọc thận hàng ngày tại SIUT.
Nằm trong khu phố đông đúc cũ kỹ, SIUT là chi nhánh của Bệnh viện Dân sự Karachi - một trong những bệnh viện giảng dạy lớn nhất ở Pakistan. Kể từ khi được thành lập chỉ với 8 giường vào 40 năm trước, SIUT hiện mở rộng và trở thành trung tâm điều trị bệnh thận đẳng cấp thế giới ở Pakistan. Giờ đây, SIUT là bệnh viện thực hiện số ca cấy ghép thận, chạy thận và điều trị bệnh sỏi thận thành công cao nhất trên thế giới. Chắc chắn, bệnh viện sẽ không có được sự thành công như ngày hôm nay nếu không có sự lãnh đạo tài năng của bác sĩ Rizvi.
Vị bác sĩ 70 tuổi này tự hào về những gì nhóm của ông đạt được tại SIUT. "Nhưng chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đi", ông nói. Với dân số ngày càng tăng và hệ thống y tế công cộng lộn xộn, SIUT cần phải làm nhiều hơn nữa.
An Bình
(Theo BBC)