Phi vụ gỡ gạc hàng tồn của ông chủ cơ sở mạ kim

Thứ ba, 19/05/2020 12:30

Biết rõ Cyanua là chất độc bị nghiêm cấm buôn bán trôi nổi ngoài thị trường nhưng  Nguyễn Công Lịch (1967, trú TP Hồ Chí Minh) vẫn bán cho Nguyễn Thị Hồng Nhung (1960, trú tỉnh Bình Định) một lượng lớn để làm vàng tại thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ngày 13-5, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Công Lịch về tội “Mua bán trái phép chất độc”.​

Bị cáo Nguyễn Công Lịch tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, chiều 17-3-2015, tại khu vực dốc Dẻo (thôn Bồng Miêu), Tổ tuần tra Đồn CA Tam Lãnh (thuộc CAH Phú Ninh) bắt quả tang Nguyễn Thị Hồng Nhung đang vận chuyển 8 bao lác chứa 400kg chất độc Cyanua trên ô-tô BKS 92C-049.39 do Trần Xuân Đông (1982, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) điều khiển. Quá trình điều tra xác định, năm 2014 Nguyễn Thị Hồng Nhung có ký hợp đồng lao động hợp tác với Cty Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 (Cty 6666), đầu tư sản xuất, chế biến tận thu kim loại vàng tại khu Hố Lò 5 (thôn Bồng Miêu). Để sản xuất, chế biến tận thu kim loại vàng tại khu Hố Lò 5, Cty 6666 đã đồng ý giao cho Nhung quản lý điều hành, tự thuê nhân công, lao động, đầu tư trang thiết bị và tự hoạt động sản xuất chế biến trong giai đoạn thử nghiệm; nếu đạt kết quả tốt, sản phẩm có chất lượng cao thì Cty 6666 sẽ ký kết hợp đồng kinh tế chính thức với Nhung.

Trong quá trình sản xuất, do số lượng Cyanua Cty 6666 cung cấp không đủ để sử dụng nên Nhung đã tự ý tìm mua thêm chất độc Cyanua để phục vụ nhu cầu sản xuất. Được nhiều người giới thiệu, Nhung đã liên hệ với Nguyễn Công Lịch mua chất độc Cyanua, sau đó Nhung đã vào TP Hồ Chí Minh gặp Lịch để thỏa thuận về việc mua “hàng”. Nhung và Lịch đã thỏa thuận, mỗi lần mua bán chất độc Cyanua, Nhung sẽ thanh toán tiền thông qua số tài khoản của Nguyễn Công Lịch. Đồng thời, Lịch sẽ chuyển “hàng” ra cho Nhung bằng cách đóng gói và gửi theo xe khách về Quảng Nam, khi đến nơi chủ xe liên hệ với Nhung đến nhận hàng.

Cụ thể, lần thứ 1, ngày 18-12-2014, Nhung và Lịch thỏa thuận thống nhất với nhau về việc mua bán 250kg chất độc Cyanua với giá 190.000 đồng/kg. Sau khi nhận hàng, Nhung chuyển 65 triệu đồng vào số tài khoản của Lịch. Tương tự, lần thứ 2 vào 7-1-2015, Nhung chuyển số tiền 77 triệu đồng cho Lịch mua 350kg Cyanua. Lần thứ 3, ngày 17-1-2015, Nhung chuyển số tiền 50 triệu đồng mua 200kg Cyanua. Lần thứ 4, ngày 27-1-2015, Nhung chuyển số tiền 45 triệu đồng mua 150kg Cyanua. Lần thứ 5, ngày 3-2-2015, Nhung chuyển số tiền 62 triệu đồng mua  250kg Cyanua. Lần thứ 6, ngày 2-3-2015, Nhung chuyển số tiền 33 triệu đồng cho Lịch mua 120kg Cyanua. Đến lần thứ 7, sau khi nhận 400kg chất độc Cyanua do Lịch chuyển về, Nhung thuê Trần Xuân Đông vận chuyển về tại khu Hố Lò 5 (thôn Bồng Miêu) thì bị bắt quả tang. Như vậy, qua 7 lần thỏa thuận, Nhung đã mua của Lịch tổng cộng 1.720kg chất độc Cyanua để phục vụ việc làm vàng.

Làm việc với cơ quan CA, Nguyễn Công Lịch khai mình nguyên là chủ Cơ sở kinh doanh xi mạ Quang Dũng (có trụ sở tại tỉnh Long An). Cơ sở của Lịch được phép mua hóa chất Cyanua với số lượng 1.500kg. Nhưng do làm ăn thua lỗ nên Lịch còn tồn kho lại 1.320kg. Khi Nhung liên hệ mua lại số Cyanua Lịch đã đồng ý bán nhằm gỡ vốn.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, kết hợp áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX TAND tỉnh Quảng Nam quyết định tuyên bị cáo Nguyễn Công Lịch 10 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất độc”.

LÊ VƯƠNG