Phiên họp thứ 30 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII: Đề xuất tăng thời hạn phục vụ tại ngũ

Thứ sáu, 15/08/2014 06:55

(Cadn.com.vn) - Về vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều 44) dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Tiếp tục Phiên họp thứ 30, sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày khẳng định: Luật nghĩa vụ quân sự được Quốc hội khóa VII thông qua tại Kỳ họp thứ hai, ngày 30-12-1981; đã sửa đổi, bổ sung qua các năm 1990, 1994 và 2005... Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật nghĩa vụ quân sự đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mọi mặt của đất nước và yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập chưa phù hợp cần phải được sửa đổi. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành.

Một trong những nội dung của Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến thảo luận là vấn đề thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ. Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật nên quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ thống nhất chung là 24 tháng. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng: Quy định như vậy sẽ bảo đảm chất lượng sẵn sàng chiến đấu trong quân đội, đồng thời tạo sự công bằng đối với mỗi công dân tham gia nghĩa vụ quân sự. Mặt khác, hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, nếu để thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ 18 tháng thì không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Luật nên quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 18 tháng. Quy định như vậy vừa đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đồng thời thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: cần thiết quy định mọi công dân trong độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Môi trường quân đội rất có ý nghĩa trong việc rèn luyện thanh niên, qua đó tạo cho họ có ý thức bảo vệ Tổ quốc, đồng thời chín chắn, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Do vậy, mọi công dân từ 18 đến 25 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

Theo dự kiến, dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Chiều 14-8, trong buổi thảo luận tại Phiên họp thứ 30, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Nguyễn Cường