Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Mặt trận Tổ quốc phải gần dân

Thứ ba, 23/12/2014 08:18

(Cadn.com.vn) - Chiều 22-12, trong khuôn khổ tại phiên họp thứ 33 (khai mạc sáng cùng ngày), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án: Luật ban hành văn bản pháp luật và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Cân nhắc tổ chức MTTQ các cấp hành chính

Cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), đề cập Tổ chức MTTQ Việt Nam (Điều 6), đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị chọn phương án 2. Theo đó, MTTQ Việt Nam được tổ chức thành hệ thống theo các cấp hành chính.

Ở mỗi cấp có Ủy ban MTTQ Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của MTTQ Việt Nam cấp đó, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, có ý kiến nên cân nhắc việc tổ chức MTTQ các cấp hành chính, bởi lẽ, MTTQ là tổ chức đại diện cho dân, việc tổ chức MTTQ phải gần dân, mềm dẻo, linh hoạt.

Liên quan đến quy định tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam, Khoản 2, Điều 22, dự thảo Luật quy định: Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để MTTQ Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi về kiến nghị của MTTQ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, quy định này có nghĩa MTTQ Việt Nam chỉ tham gia trong quá trình xây dựng luật, còn trong quá trình thẩm tra, xem xét dự án luật không có sự tham gia của MTTQ Việt Nam; đề nghị cần quy định MTTQ Việt Nam tham gia xuyên suốt quá trình xây dựng, thẩm tra, xem xét dự án luật cho đến khi Quốc hội thông qua dự án luật.

Thảo luận về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần nhiều thời gian cho ý kiến về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự án Luật phải có sự thống nhất, đồng bộ; phạm vi nào thì tên gọi đó.

Xem xét về 4 dự án Luật và 2 dự án Pháp lệnh

Diễn ra trong 2 ngày, Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 8, cho ý kiến, xem xét về 4 dự án Luật và 2 dự án Pháp lệnh, gồm: Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét chương trình công tác năm 2015 về đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Trong số các dự án Luật, Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp này, đáng chú ý là Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa rộng lớn, bao trùm mọi giao dịch, quan hệ dân sự của người dân trong đời sống hàng ngày.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau khi tiến hành đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở đó, tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu vào nội dung Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp đầu năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp với sự quan tâm, theo dõi, đồng hành, giúp đỡ của cử tri và nhân dân cả nước. Thành công của Kỳ họp đã góp phần tăng cường lòng tin của cử tri và người dân với Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề nghị làm rõ hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Trong buổi làm việc đầu tiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Đây là dự thảo đã được cho ý kiến tại Phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ thông qua tại Phiên họp thứ 33 này. Tuy nhiên, sau khi xem xét, thảo luận, đánh giá nhiều mặt về nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục hoàn thiện dự thảo để thông qua vào lần sau.

Thực tiễn xét xử của Tòa án trong thời gian qua cũng cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của Tòa án.

Mặc dù pháp luật có quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, tuy nhiên các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn tản mạn và chưa cụ thể. Do đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về các loại hành vi, hình thức, mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý và thi hành quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là hết sức cần thiết.

Góp ý tại buổi thảo luận, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án trong dự thảo; quy định cụ thể về hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa, tránh rườm rà, nặng nề về thủ tục hành chính...

Cũng trong buổi sáng 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Thu Thủy – TTXVN