Phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Thông qua cơ chế đặc thù cho TP Đà Nẵng

Thứ ba, 12/07/2016 09:14

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-7, Phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra trong hai ngày, từ 11 đến 12-7, nếu không có gì đột xuất đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Để chuẩn bị những công việc cần thiết cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20-7, Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm các nội dung sau:

Các đại biểu cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và những biện pháp cho 6 tháng cuối năm; cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Đồng thời, các đại biểu cho ý kiến về cơ cấu, tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và cho ý kiến về việc chuyển kênh Truyền hình Quốc hội từ Đài Tiếng nói Việt Nam về Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp. 

Tại phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ; thảo luận về Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt ở mức 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,32%) nhưng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 3 năm trước đó. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt thấp nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Đặc biệt tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản giảm (- 0,18%). Theo báo cáo của Chính phủ, sự giảm sút của hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp làm cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giảm 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng cùng kỳ năm trước chủ yếu là do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; giá dầu giảm nên Chính phủ đã chỉ đạo chủ động giảm sản lượng khai thác dầu.

Cũng tại phiên họp sáng 11-7, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng 6 tháng cuối năm.

* Chiều 11-7, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý cho Đà Nẵng. Theo đó, cơ chế này sẽ được thực hiện từ năm 2017.

Trình bày tờ trình của Chính phủ xin cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để xây dựng Đà Nẵng với vị trí là thành phố động lực của khu vực, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 thì cần phải có cơ chế đặc thù để tăng tính đột phá. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu cũng cho rằng, việc tạo cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng là cần thiết và xứng đáng. Bởi lẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc về   KT-XH, công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch. Tuy nhiên, cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi hiện thời đem lại nguồn lực rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển, chưa tạo động lực huy động nguồn lực cho TP trong giai đoạn tới.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, Đà Nẵng có được sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua một phần nhờ vào việc huy động được nhiều nguồn lực và sử dụng vốn hiệu quả. Vì thế Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề xuất Thường vụ Quốc hội xem xét để có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng trong việc huy động nguồn vốn phát triển TP. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với đề xuất này và cho biết theo Luật Ngân sách 2015, mức huy động vốn là 30% tổng thu ngân sách của địa phương được hưởng. Để tạo cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét nâng mức huy động lên 40% (cao hơn 10% quy định). Theo Chủ tịch Quốc hội, mức nâng lên 40% là hợp lý cũng không nâng lên quá cao ngang với TPHCM, Hà Nội (là 60%). Bởi lẽ Đà Nẵng không nên để nợ công cao, dẫn đến gánh nặng trả nợ. Ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với mức đề xuất nâng lên 40% để tạo cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng.

Xung quanh các chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố còn lại và 70% số tăng thu so với dự toán các khoản ngân sách trung ương hưởng 100%. Qua thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc Chính phủ đề nghị nâng mức dư nợ của TP từ 30% theo qui định hiện hành lên mức 100% cho địa phương với các lý do đó là cần thiết. Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ. Sau khi thảo luận, phân tích, Ban thường vụ Quốc hội thống nhất cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách này cho TP.

Ngoài ra, trong cơ chế đặc thù của Đà Nẵng còn các nội dung như từ năm 2017, ngân sách TP được phép bội chi và mức dư nợ vay thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để tham gia thực hiện các dự án PPP mang tính chất phục vụ cấp vùng trên địa bàn thành phố; Ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung-Tây Nguyên...

Hải Hậu - Hoàng Thị Hoa