Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: Các bị cáo xin giảm nhẹ tội cho nhau
Ngày 14-1, trong phần tự bào chữa tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm, bên cạnh phần tự gỡ tội cho mình, một số bị cáo cũng đã dành thời gian để phân tích nhằm bào chữa cho các bị cáo khác với mong muốn xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này.
Ông Đinh La Thăng bào chữa cho mình. |
Đề nghị cân nhắc công – tội
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cho rằng bản thân mình không biết Hợp đồng EPC số 33 còn nhiều khiếm khuyết. Do bị cáo thực hiện quá nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, nên đã dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cũng dành thời gian để xin giảm nhẹ cho cấp dưới là bị cáo Lê Đình Mậu (nguyên Phó trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN). Theo bị cáo Quỳnh, hành vi của bị cáo Mậu trong vụ án này thực chất chỉ là người xuất kho, bị cáo Mậu không biết được những khiếm khuyết của hợp đồng EPC số 33, việc ký ủy nhiệm chi để chuyển tiền tạm ứng cũng là do bị cáo Quỳnh chỉ đạo. Vì vậy, bị cáo Ninh Văn Quỳnh xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất cho bị cáo Lê Đình Mậu.
Nói trước Tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) bày tỏ sự đồng tình với luận cứ của các luật sư bào chữa. Bị cáo Đạt thừa nhận trách nhiệm trong việc đã chấp hành mệnh lệnh cấp trên, góp phần làm sai, làm liên lụy đến các lãnh đạo của PVN. Đồng thời bị cáo Đạt cũng xin lỗi các bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN, mong nhận được sự đồng cảm vì bị cáo Đạt đã làm hết sức mình tại vị trí Kế toán trưởng.
Sau cùng, bị cáo Phạm Tiến Đạt xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức án cho các bị cáo: Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC), bị cáo Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), bị cáo Lê Đình Mậu (nguyên Phó ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN). Theo bị cáo Đạt, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý vốn không có chuyên môn về tài chính, bị cáo Trương Quốc Dũng không biết nguồn gốc dòng tiền trong tài khoản, bị cáo Lê Đình Mậu là người cẩn thận, chỉn chu trong công việc, vô tình phạm lỗi.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) cũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, là cấp trên của bị cáo Hải) và bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Hoa) với lý do các bị cáo này đều còn trẻ, có khả năng chuyên môn, mong muốn họ có cơ hội sớm làm lại cuộc đời, cống hiến cho xã hội.
Trong phần tự bào chữa của mình, phần lớn các bị cáo đều đồng ý với phần bào chữa của các luật sư của mình.
Bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh thừa nhận hành vi giúp sức cho các bị cáo chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo Quỳnh tha thiết mong Hội đồng xét xử xem xét vai trò của doanh nghiệp gia đình bị cáo chỉ là doanh nghiệp nhỏ, chỉ là thực hiện công đoạn cuối cùng trong chuỗi hành vi sai phạm. Bản thân vợ chồng bị cáo đã khắc phục hoàn toàn số tiền chiếm hưởng. Thêm vào đó, bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh còn có hoàn cảnh gia đình éo le: Bố mẹ già, em gái bại liệt, bị cáo là lao động chính, giờ phải chờ sự thăm nuôi của vợ, kinh tế gia đình cũng không còn gì nữa.
Cũng tại phiên tòa, các đại diện của nguyên đơn dân sự là PVN và PVC cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc giữa công và tội của các bị cáo khi lượng hình cả về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, nhằm tạo cơ hội cho các bị cáo sửa chữa sai lầm, quay trở về với xã hội.
Ông Đinh La Thăng thừa nhận thiếu kiểm tra, đôn đốc
Trước đó, chiều 13-1, trong phần tranh tụng, các bị cáo đã tự bào chữa trước Tòa, tự đưa ra các chứng cứ, phân tích nhiều luận điểm nhằm làm giảm nhẹ tội cho mình. Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận bị cáo chưa hoàn thành trách nhiệm trong vai trò là người đứng đầu PVN, bị cáo cảm thấy có lỗi với Đảng, có lỗi với nhân dân, có lỗi với các thế hệ người lao động của PVN. Bị cáo xin được nhận sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Bị cáo Đinh La Thăng nêu, trong suốt quá trình tố tụng, điều tra, xét xử, bị cáo luôn thừa nhận mình chưa hoàn thành trách nhiệm là người đứng đầu PVN, chứ hoàn toàn không có ý đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo đã thiếu kiểm tra, thiếu giám sát trong thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có sai phạm nhưng chưa kịp thời chấn chỉnh.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử có đường lối xử lý công tâm, khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với pháp luật trong bối cảnh của dự án năm 2008. Bị cáo đề nghị xem xét thấu tình đạt lý, đúng căn cứ pháp luật và có sự công bằng cho các cán bộ PVN không vì mục đích động cơ cá nhân, mà chỉ mong muốn phát triển thật nhanh theo đúng chiến lược phát triển của Tập đoàn. Bị cáo Đinh La Thăng cho biết bản thân rất tôn trọng bản luận tội của Viện Kiểm sát, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại những vấn đề không đặt ra trong quá trình điều tra, không nêu trong bản luận tội.
Trong phần bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa: “Tôi thấy mình có lỗi với anh Thăng, với các anh lãnh đạo của PVN”.Về cáo buộc phạm tội tham ô tài sản của Viện kiểm sát, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, lời khai của các bị cáo khác còn có nhiều mâu thuẫn, không có chứng cứ chứng minh, thiếu rõ ràng. Từ đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại các chứng cứ, lời khai... dẫn đến cáo buộc bị cáo chỉ đạo việc tham ô tiền của PVC. Kết luận phần tự bào chữa của mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục khẳng định, bị cáo không tham ô, không chỉ đạo việc rút tiền...
Thu Thủy - TTXVN
* Giải thích lý do vì sao chỉ định PVC là tổng thầu, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định rằng chủ trương chỉ định thầu đã có từ năm 2006 và đến tháng 2-2009 chủ trương này được thực hiện cho tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn chứ không chỉ PVC. Việc chỉ định thầu để cứu PVC không phải là mục đích của PVN. Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng, lạm phát tăng cao, tất cả các doanh nghiệp trong nước đều rất khó khăn, không chỉ mình PVC. Trong bối cảnh đó, tất cả các dự án đầu tư xây dựng buộc phải dừng, giãn tiến độ, PVC cũng thế, không thể tránh khỏi. Thời điểm đó, PVC là 1 trong 2 đơn vị mạnh về xây dựng, xây lắp và trong dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC cũng chỉ làm về xây lắp, máy móc là do nhà thầu nước ngoài đảm nhận. Bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định, không thể so sánh PVC với các nhà thầu nước ngoài được. Nếu cứ mãi mãi dựa vào nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước không thể phát huy được, không trưởng thành được. Công tác lãnh đạo của Tập đoàn còn có vai trò của Đảng ủy, Hội đồng thành viên chứ không chỉ mình bị cáo. Trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình, bị cáo không thể tự tung tự tác được. P.V |