Philippines chính thức hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ
Manila ngày 12-2 chính thức thông báo với Washington về việc hủy bỏ một thỏa thuận quân sự quan trọng giữa hai nước, vốn cho phép hàng ngàn binh lính Mỹ tập trận, huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo ở Philippines.
Các binh sĩ Mỹ tập trận cùng binh sĩ Philippines theo thỏa thuận VFA. Ảnh: AFP |
“Quyết định đáng tiếc”
“Đã đến lúc chúng ta phải tự lực, Philippines sẽ củng cố năng lực phòng thủ và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác”, phát ngôn viên Salvador Panelo dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định. Theo BBC, thỏa thuận được nhắn đến ở đây là về Các lực lượng thăm viếng (VFA) được Manila và Washington ký năm 1998. Theo đó, sẽ có một giai đoạn giảm dần kéo dài 180 ngày trước khi thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn nhằm cho phép các lực lượng Mỹ tập trận chung với các binh sĩ Philippines.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gọi quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự kéo dài hơn 2 thập kỷ này là “đáng tiếc”. Phát biểu với phóng viên trên chuyến bay đến Brussels, Bỉ để tham dự cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO, Bộ trưởng Esper nêu rõ: “Chúng tôi phải làm việc thông qua những góc độ về chính sách và quân sự. Theo tôi, thật đáng tiếc là họ đã đưa ra quyết định này”. Ông Esper gọi thông báo của phía Philippines là “một động thái đi sai hướng” và Mỹ sẽ “giải quyết vấn đề này” trong 6 tháng tới.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cảnh báo bước đi nghiêm trọng từ phía Manila ảnh hưởng lớn đến liên minh Mỹ - Philippines. “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ cách tốt nhất để thúc đẩy những lợi ích chung”, ông Sung nhấn mạnh.
Xa Mỹ, tiến gần Trung Quốc
Tổng thống Duterte từng đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau về vai trò tương lai của quân đội Mỹ tại Philippines kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2016. Ông từ lâu nhiều lần ám chỉ sẽ rời xa đồng minh lâu năm là Mỹ và theo đuổi quan hệ với các nước không phải là đồng minh truyền thống như Trung Quốc và Nga. Nhà lãnh đạo này từng công khai bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ Mỹ liên quan đến các phát biểu của một số quan chức Nhà Trắng phản đối cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông.
Cuộc khủng hoảng niềm tin giữa hai nước được khơi mào khi Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết trừng phạt các quan chức Philippines liên quan đến cuộc chiến ma túy và việc giam giữ Thượng nghị sĩ bất đồng chính kiến Leila De Lima. Tháng trước, nhà lãnh đạo này đã cảnh báo rằng ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận nói trên sau khi Mỹ thu hồi visa du lịch cấp cho Thượng nghị sĩ trung thành Ronald Muff Dela Rosa, người cũng lãnh đạo cuộc chiến chống ma túy đẫm máu và là một đồng minh chính trị quan trọng của ông Duterte.
Tuy nhiên, quyết định chính thức lần này của ông Duterte làm bùng lên nhiều lo ngại ở Philippines về khả năng gây tổn hại an ninh quốc gia nước này, gia tăng tình trạng căng thẳng ở biển Đông với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia khẳng định, VFA là công cụ hiệu quả giúp Philippines kiềm chế được các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên thực địa, trong đó có bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Ngoài ra, khi không có VFA, Washington sẽ không thể viện trợ kịp thời cho Philippines như trong các đợt bão và động đất trước đây. Gần 300 chiến dịch tập trận và hợp tác quân sự với Mỹ cũng chấm dứt.
KHẢ ANH