“Phố âm” du ký

Thứ ba, 06/08/2013 09:45

(Cadn.com.vn) - Nghĩa trang là nơi người chết an giấc nghìn thu. Dù vậy, hằng ngày trên “vùng đất chết” này cuộc sống vẫn diễn ra. Có không ít người sống được là nhờ nghĩa trang với nhiều dịch vụ khác nhau. Tôi đã lang thang một vòng quanh các nghĩa trang ở Đà Nẵng và lắng nghe những câu chuyện vui buồn...

Nghĩa trang Gò Cà (thuộc xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) được ví như “thành phố của người âm” và cũng là nơi  có nhiều người mưu sinh nhất trong số các nghĩa trang ở Đà Nẵng. Nhiều người hầu như gắn cả đời mình với nơi này. Đã được hơn 10 năm sống ở Gò Cà, ông Ngô Ta, Tổ trưởng Tổ bảo vệ nghĩa trang, cho hay: “Coi vậy chứ nghĩa trang Gò Cà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lắm, từ thợ xây, người bốc mộ đến những người lao động phổ thông. Gò Cà có càng nhiều mộ thì công việc cũng nhiều theo”.

Một trong những nghề “hot” nhất trên các nghĩa trang hiện nay là xây dựng vì thế không ít thợ xây thường thích làm việc ở các nghĩa trang hơn đi thi công công trình. Mướt mồ hôi đập phần gạch mà mình mới vừa xây hôm qua, anh Lê Dũng (trú thôn Phú Sơn, Hòa Khương), nói: “Chủ mộ mới lên kiểm tra, thấy  chỗ này không hợp với khu mộ nên  bảo đập đi xây lại. Xây dựng ở nghĩa trang là vậy đấy, không theo thiết kế chi hết, chủ mộ thích như thế nào thì xây theo như vậy”. Nói là vậy nhưng việc xây rồi đập, đập rồi lại xây chẳng khiến cho những người thợ xây ở nghĩa trang phải lo lắng, bởi như thế chủ mộ phải bỏ... tính thêm công, đồng nghĩa họ có thêm thu nhập. Mỗi ngày những người thợ như anh Dũng nhận tiền công 200 nghìn đồng trở lên, những người đi phụ được 150 nghìn đồng. “Tiền công chẳng nhiều hơn khi đi xây các công trình là mấy nhưng được cái công việc thường xuyên, cứ hết tuần là nhận tiền vì vậy mà nhiều người thích được làm ở đây hơn”, anh Dũng tâm sự.

Mộ của những hài nhi xấu số được những người như ông Ta quyên góp xây dựng ở nghĩa trang Gò Cà.

Theo thời gian, nghĩa trang Gò Cà không ngừng gia tăng “dân số”, mộ chen chúc nhau, chính vì vậy mà nhu cầu xây dựng mộ rất lớn. Đâu chỉ có vậy, với quan niệm “sống cái nhà, chết cái mồ”, gia đình những người đã khuất lúc nào cũng muốn xây mộ thật lớn, khang trang thế nên những thợ xây ở nghĩa trang chẳng phải lo đến chuyện thất nghiệp.  Có không ít người đã bỏ ra vài trăm triệu đồng để xây dựng mộ, với nhiều kiểu dáng và hình thù khác nhau, vì vậy nghĩa trang Gò Cà giờ chẳng khác nào một đô thị của người âm. Tuy nhiên, để được làm việc ở đây người thợ xây phải phụ thuộc nhiều vào những chủ thầu nghĩa trang. Hiện ở nghĩa trang Gò Cà có 36 tổ xây dựng với những chủ thầu khác nhau. Dù chẳng ai nói ra nhưng ở đây có “luật” riêng, tất cả chủ thầu đều ngầm hiểu với nhau rằng mộ nằm trên đất ai thì người đó xây dựng và chăm sóc, tuyệt đối không được lấn sân, nếu không chắc chắn sẽ... sinh chuyện. “Những năm trước cũng từng xảy ra chuyện các chủ thầu gây gổ, đánh nhau để được giành quyền xây mộ nhưng chừ thì hết rồi. Nhưng chuyện các chủ thầu hét giá xây mộ lên cao vẫn còn, mới đây một chủ thầu hét giá đến 150 triệu đồng khi một người dân có nhu cầu xây mộ, sau nhờ chúng tôi can thiệp mới giảm xuống còn 90 triệu đồng”, ông Ta kể.

Ông Trần Nhĩ đang bốc hài cốt ở nghĩa trang.

Chẳng riêng gì thợ xây hay chủ thầu, nhiều thầy cúng, người chăm sóc mộ đều có thể hành nghề ở Gò Cà. Còn có một nghề khá phổ biến, nhưng chẳng mấy ai dám làm... Đó là nghề hốt cốt. Ông Trần Nhĩ (xã Hòa Nhơn), người có nhiều năm làm nghề di dời hài cốt ở các nghĩa trang kể: “Mấy năm nay thành phố di dời nhiều nghĩa trang nên công việc cũng nhiều, thu nhập cũng khá thế nhưng chẳng mấy ai muốn làm việc này”. Những người chuyên đi bốc mộ thường kể cho nhau nghe những câu chuyện kỳ bí, hư hư thực thực về nghề. Nào là làm vội nên đã bốc không hết xương cốt của người chết, nên đêm đêm linh hồn “người âm” cứ bám để đòi phần xương thiếu; nào là người bốc mộ làm ẩu chỉ bốc đất đen nên bị “trù” điên loạn và ít lâu sau thì chết, còn gia cảnh điêu tàn...

Thực hư chẳng ai kiểm chứng, nhưng đối với người đi hốt cốt, những sai sót trên là cấm kị. Ông Nhĩ đã có gần 10 năm làm công việc bốc mộ, đôi tay ông đã chuyển đi hàng ngàn hài cốt nhưng lúc nào ông cũng cẩn thận. Ông tâm sự:  “Sợ nhất là phải đụng đến những mộ mới vừa chôn 1 hoặc 2 năm. Lúc ấy, thi thể của người chết chưa phân hủy hết nên... mùi bốc lên chịu không nổi. Lúc đầu, sau mỗi lần bốc như thế tôi không thể ăn cơm, ngửi mùi mắm đã thấy ói, tắm hàng chục lần vẫn nghe còn mùi. Những lúc như thế phải về đi mua thuốc Bắc và muối xông. Nhiều lúc đã hốt xong rồi nhưng thấy chưa yên tâm là tôi phải quay lại kiểm tra mộ xem còn có gì không. Một xíu đất đen nhỏ thì cũng phải lấy cho hết nếu không hậu quả nặng nề lắm”.

Nghĩa trang, nơi những người thợ xây như anh Dũng hằng ngày gắn bó.

Những người làm việc ở nghĩa trang mà tôi tiếp xúc đều tâm sự giống như ông Nhĩ. Vì mưu sinh mà họ gắn với các nghĩa trang. Dù vậy, lúc nào họ cũng tận tậm với công việc. Ông Ta kể: “Có nhiều trường hợp các cháu sinh viên vì lỡ dại phải phá thai rồi lén mang hài nhi đến nghĩa trang để chôn, khi biết chuyện anh em đều quyên tiền để xây mộ cho những đứa trẻ ấy, rồi thì chăm sóc, quét dọn những mộ không có người thân. Làm việc ở nghĩa trang là vậy, nhiều lúc phải cạnh tranh gay gắt, nhưng nhiều lúc vẫn làm việc nghĩa, nghĩa tử là nghĩa tận mà”.

Hoàng Anh
(còn nữa)