Phố cổ Hội An – một di sản sống!
(Cadn.com.vn) - Nằm trong khuôn khổ chào mừng kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) và ngày đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4-12), tại TP Hội An đã diễn ra buổi đối thoại với các hộ dân sinh sống tại phố cổ. Với mục đích khơi dậy nguồn sinh khí mới, nêu lên những tồn tại và hạn chế trong công tác bảo tồn di sản, buổi đối thoại là dịp để 200 hộ dân là chủ nhân của những di tích hiện đang sinh sống tại đây nêu lên tâm tư nguyện vọng của mình.
Có lẽ chưa bao giờ Hội An đối diện với nhiều “nguy cơ” đến vậy. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua Hội An đã cho thấy rõ sự xuống cấp mà đặc biệt là những giá trị đã tồn tại hàng trăm năm qua. Vấn đề về môi trường ô nhiễm, sạt lở bờ biển Cửa Đại, nhà cổ không an toàn đã đặt ra nhiều thách thức không chỉ với các cấp chính quyền mà còn là chính những con người, những gia đình đã sinh sống hàng bao thế hệ ở nơi đây. Mỗi ngôi nhà đều là một “bảo tàng sống”, cuộc sống người dân nơi đây gắn liền với kiến trúc cổ ấy như máu thịt từ bao đời. Thế nhưng theo thời gian với sự tác động của khí hậu, nét đẹp cổ điển bao đời đang bị đe dọa từng ngày.
Nhà cổ xuống cấp là nỗi lo thường trực của người dân phố cổ (trong ảnh là những cột gỗ được kè thêm vào phần trụ đã bị mối ăn). |
Ông Nguyễn Thế Thanh (một trong 200 chủ nhân của các di tích) cho rằng: “Hội An là một trong những địa điểm yêu thích không chỉ trong nước mà còn lan xa ra nước ngoài là một điều đáng mừng. Tuy nhiên chính sự phát triển nhanh đó khiến cho không gian văn hóa cổ kính nơi đây chịu sức ép nặng nề. Nhiều người đến đây tham quan đều nghĩ rằng những ngôi nhà này chỉ để làm du lịch. Tuy nhiên phải khẳng định lại rằng đây là những bảo tàng sống, gia đình chúng tôi vẫn đang sinh sống và làm việc tại nơi đây. Vì vậy chúng tôi cũng cần lắm có sự ổn định, an toàn”.
Còn ông Trần Quang lại nhìn nhận việc bán vé tại các điểm tham quan nhà cổ vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả: “Với mỗi tấm vé tham quan chỉ có vài nghìn đồng vẫn không thấm vào đâu so với việc duy trì, tu bổ nhà cửa. Khách đến nhìn ngó rồi đi chứ chưa thực sự hiểu được nhà cổ là như thế nào bởi nhiều ngôi nhà xuống cấp quá đỗi mà muốn tu sửa thì phải mất nhiều thời gian, phải có sự cho phép mới được tiến hành”. Thực tế tình trạng nhà cổ xuống cấp đã trở thành nỗi lo thường trực của những hộ dân nơi đây. Hiện nay hầu hết cư dân phố cổ đều phải cơi nới thêm 1 phần diện tích để sinh sống, nhường khu nhà chính làm khu vực tham quan. Còn nhớ cuối năm 2013, ngôi nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng bất ngờ sụp đổ và tiếp tục đè lên căn giữa của số nhà 46 khiến những ngôi nhà quanh đó cũng bị ảnh hưởng phần hậu đã là hồi chuông báo động cho tình trạng xuống cấp. Trước tình trạng đáng báo động đó, trong năm 2015 TP đã hỗ trợ kinh phí tu bổ 49 di tích, tổ chức các buổi bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích. Trong mùa mưa vừa qua, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã triển khai chống đỡ cho 8 di tích và lập dự án chống mối cho 31 di tích.
Ô nhiễm nguồn nước khu vực Chùa Cầu đáng báo động. |
Một vấn đề nữa được đặt ra là sự ô nhiễm nặng nề tại khu vực Chùa Cầu. Ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch UBND TP Hội An) cho biết: “Đây là vấn đề lâu dài, TP ưu tiên đặt lên hàng đầu trong công tác xử lý. Hiện nay chính phủ đã ký thỏa thuận với Nhật Bản đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu với tổng kinh phí 223 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2017”. Ngoài các ý kiến về sự xuống cấp di tích thì thực trạng nữa cũng tồn tại tại phố cổ Hội An là sự hoang phế của các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đơn cử như di tích lăng mộ Thứ phi vua Quang Trung (P. Cẩm Thanh) cũng đã bị xâm lấn nặng nề. Bên cạnh đó TP cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo trì, trông coi, săn sóc các di tích khi hiện nay tiền công chăm sóc bảo trì di tích, tùy đường chỉ dừng ở mức 200 ngàn đồng/ tháng.
Trước những khó khăn chung, những vấn đề đặt ra tại phố cổ Hội An, ông Nguyễn Sự (Chủ tịch HĐND TP Hội An) mong mỏi sự đồng tình, chung tay ủng hộ trong việc tu bổ và giữ gìn cảnh quan phố cổ. Bởi đặc thù là một di sản sống, Hội An rất cần được vun vén, bồi đắp. Mà để những giá trị ấy có thể được giữ gìn, phát huy rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là những người con phố Hội.
Đồng Dao