Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: APEC mang lại nhiều lợi ích thực chất

Thứ ba, 09/05/2017 06:16

(Cadn.com.vn) - Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM 2) và các cuộc họp liên quan tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9 đến 21-5. Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh đã có bài viết về Năm APEC 2017: Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam. Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích một số nội dung bài viết.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viết: Đăng cai APEC là thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của Diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu này ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương... Năm APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn của báo giới.

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đề ra 4 ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và  bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới. 

Chuẩn bị các phương án cung cấp điện phục vụ APEC 2017

Ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết, để chuẩn bị cho “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” diễn ra tại TP Đà Nẵng, ngành điện đã rà soát, tập trung mọi nguồn lực đầu tư nhiều công trình lưới điện trọng điểm phục vụ sự kiện này. Ngay từ năm 2015 đến nay, nhiều dự án đã được các đơn vị liên quan như Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng Cty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT) và PC Đà Nẵng triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 1.107 tỷ đồng. Hiện tại, các đơn vị đã rà soát hiện trạng nguồn lưới điện, tiến độ chi tiết các công trình lưới điện đang thi công, sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành điện, công tác kiểm tra nguồn phát dự phòng UPS các điểm tổ chức sự kiện phục vụ APEC. Ngoài công tác đầu tư xây dựng lưới điện phục vụ APEC 2017, thời gian qua, EVNCPC nói chung và PC Đà Nẵng nói riêng đã tập trung kiểm tra, thí nghiệm, bảo dưỡng nguồn lưới điện, đảm bảo thông tin liên lạc; phối hợp với A3 để rà soát lại tất cả hệ thống bảo vệ trên lưới điện 110kV, lưới trung áp khu vực Đà Nẵng và ban hành lại tất cả các phiếu chỉnh định các thiết bị phù hợp, tính toán khép vòng 22kV cấp điện các khu vực diễn ra hội nghị; phối hợp với Cty Truyền tải điện 2 để hoàn thành dự án TBA 220kV Ngũ Hành Sơn... Đến thời điểm hiện tại, EVNCPC, PC Đà Nẵng và các đơn vị liên quan trên địa bàn đang tổng lực triển khai đồng bộ các công tác dở dang, phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành toàn bộ nguồn lưới điện phục vụ APEC trước ngày 31-7-2017 (trước 3 tháng so với thời điểm diễn ra sự kiện); từ đó lập phương án và tổ chức diễn tập xử lý sự cố vào tháng 9-2017.

 Phương Kiếm - Thục Uyên

Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam. Trước hết, đó là tầm nhìn về một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong đó, Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều bên và song phương... cùng phát triển và bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc khu vực bền vững, toàn diện.

Tầm nhìn chiến lược đó xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ là thế kỷ XXI cần được định hình bởi tư duy bình đẳng, cùng có lợi và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chứ không phải lối nhìn theo kiểu “kẻ được, người mất”, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tất cả các nước khu vực, dù có hay không là thành viên APEC, đều chia sẻ lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác Châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI. 

Theo Phó Thủ tướng, đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Các hoạt động trong năm 2017 còn là cơ hội để nước ta đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, đặc biệt là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt. Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới, dự kiến sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp, chuyến thăm chính thức của các nhà Lãnh đạo cấp cao APEC tới Việt Nam, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và sự phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế. 

Từ góc độ kinh tế - xã hội, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu Bô-go và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của APEC cùng nỗ lực của nước ta nhằm hoàn tất các cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở nước ta. Đó là tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Đối với các địa phương và doanh nghiệp, khoảng 200 hoạt động của APEC trong năm 2017 đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch... Riêng Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng dự kiến có khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế cùng các tập đoàn truyền thông lớn tham dự. Đó là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động cũng như lợi thế so sánh của các địa phương, vùng miền trên cả nước. Đây cũng là dịp để các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mài dũa năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh văn hóa hội nhập của đất nước. 

Đến nay, có thể nói các hoạt động của APEC đã diễn ra suôn sẻ, đạt mục tiêu đề ra. Đó là nhờ có sự chung sức đồng lòng, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả và người dân. Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè và đối tác, chắc chắn Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển và an ninh của chúng ta, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của đất nước.

N.L (lược trích)