Phòng chống tác hại thuốc lá: Vẫn gặp nhiều khó khăn
(Cadn.com.vn) - Luật cấm hút thuốc lá trong trường học, bệnh viện nhưng thực tế vẫn xảy ra. Luật cấm quảng cáo, khuyến mãi tại các điểm bán lẻ thuốc lá nhưng thực tế vẫn xảy ra. Luật quy định nhiều cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt nhưng thực tế ở Đà Nẵng chưa xử phạt trường hợp nào liên quan tới hút thuốc lá. Vấn đề đặt ra vì sao người dân biết thuốc lá rất độc hại nhưng vẫn hút? Vì sao có chế tài mạnh nhưng chưa thể xử lý?...
Biết độc hại vẫn hút
Không thể phủ nhận rằng, với nhiều nỗ lực của các ngành, tổ chức trong tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá đã nâng cao nhận thức rõ rệt của người dân. Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới sau 10 năm triển khai Công ước khung về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam thì 95% người trưởng thành tin rằng thuốc lá gây bệnh tật và 87% tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh như người hút thuốc.
Khoa học chứng minh trong khói thuốc lá chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 25 căn bệnh khác nhau, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, các bệnh về đường hô hấp, tim mạch. Ở Việt Nam, số tiền bỏ ra mua thuốc lá năm 2010 là 14 ngàn tỷ đồng; năm 2012 tăng lên 22 ngàn tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 loại bệnh do hút thuốc lá gây ra (gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột qụy) là 23 ngàn tỷ đồng/năm. Với rất nhiều tổn hại về sức khỏe lẫn kinh tế do thuốc lá gây ra, vì thế mục tiêu giảm thiểu, đẩy lùi các nguy cơ, tác hại của thuốc lá được cụ thể hóa bằng luật - Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Luật có hiệu lực từ ngày 1-5-2013.
Mặc dù biết độc hại và có luật quy định, song việc hút thuốc lá vẫn diễn ra mọi lúc mọi nơi. Trên những chuyến xe đò chen chúc, nóng nực thì vẫn có người châm thuốc lá hút. Thậm chí ngay cả ở bệnh viện, nơi cấm hút thuốc lá tuyệt đối thì nhiều người vẫn ngang nhiên hút. Trong lúc chăm bệnh cho người thân, anh Đ.B.M (35 tuổi, trú Đại Lộc, Quảng Nam) đã tranh thủ xuống ghế đá trong khuôn viên bệnh viện để hút thuốc. Anh M. cho biết có nhìn biển cấm nhưng thèm thuốc lá quá, mà đi ra đường thì xa nên tranh thủ chọn chỗ ít người để hút cho tỉnh táo. Không chỉ công nhân, nông dân, thanh niên mà nhiều công chức, hiểu rất rõ về tác hại của thuốc lá, nhưng cứ tranh thủ lúc thảnh thơi là hít lấy, hít để.
Người dân vẫn ngang nhiên hút thuốc lá trong Bệnh viện Đà Nẵng |
Có chế tài nhưng…
Mặc dù đã triển khai Luật từ hơn 2 năm nay, thẩm quyền xử phạt cũng được trao cho nhiều đơn vị nhưng ở Đà Nẵng vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý vì hút thuốc lá nơi cấm. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn thấp; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nơi công cộng còn phổ biến; lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống tác hại thuốc lá nên chưa kiên quyết thực hiện các quy định này một cách nghiêm túc. Thậm chí, có đơn vị chính lãnh đạo còn nghiện thuốc lá, việc thực thi luật càng khó hơn.
Trong khi đó, các điểm bán lẻ thuốc lá ở Đà Nẵng qua quan sát còn trưng bày quá 1 bao/1 tút của một nhãn hiệu thuốc lá; việc khuyến mãi cũng diễn ra như mua nhiều giảm giá, tặng bật lửa... Trong khi, những điều này cấm trong luật.
Theo lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Đà Nẵng thì công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn bởi đây là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc của người dân còn hạn chế. Chính vì thế, bên cạnh việc nâng cao tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người hút thuốc lá thì sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị để thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát kinh doanh thuốc lá, nâng cao mức độ cảnh báo, tăng giá thuốc lá cũng là giải pháp cần thực hiện song hành.
H. Quỳnh