Phòng ngừa, chữa cháy tại chỗ là nhiệm vụ trọng yếu trong phòng cháy chữa cháy

Thứ tư, 05/07/2017 11:09

(Cadn.com.vn) - Ngày 4-7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Thành ủy về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Đồng chí Võ Công Trí- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có Thiếu tướng Phan Văn Thực-Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp

Theo Đại tá Lê Ngọc Hai- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 440 vụ cháy, trong đó cháy tại các cơ sở kinh tế, văn hóa, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà dân, phương tiện giao thông làm 5 người chết, thiệt hại tài sản hơn 56 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, toàn thành phố xảy ra 46 vụ cháy rừng thiệt hại gần 150 ha rừng. Lĩnh vực xảy ra cháy nhiều nhất trong những năm gần đây là cháy nhà dân với 187 vụ, chiếm 42,5%, cơ sở sản xuất kinh doanh là 125 vụ, chiếm 28,4%. Nguyên nhân cháy là do sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 84 vụ (19%), sự cố hệ thống, thiết bị điện, khí đốt, thiết bị không an toàn là 271 vụ (61,6%)... Nhiều vụ cháy thương tâm đã xảy ra như:  vụ cháy nhà dân tại K02/193-Hà Khê (Q. Thanh Khê) xảy ra ngày 8-3-2016 làm 1 người chết. Tiếp đó, ngày 5-4-2017, xảy ra vụ cháy nhà dân tại số 48-Nguyễn Tư Giản (P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) do ông Nguyễn Văn Bảy làm chủ khiến 3 người chết.

Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ. Trong đó có hơn 3.704 cơ sở thuộc quản lý Nhà nước về PCCC. Nhóm cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao gồm 6 trung tâm thương mại, 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 7 kho xăng dầu, 93 cửa hàng và 27 tàu kinh doanh xăng dầu... Đi đôi với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội là cơ sở hạ tầng, các khu vui chơi giải trí, tòa nhà cao tầng nhanh chóng mọc lên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ trong những năm đến.

Các lực lượng tham gia chữa cháy trong một vụ cháy nhà dân trên địa bàn Q. Sơn Trà.

Tăng cường phòng ngừa, chữa cháy tại chỗ

Ông Ngô Tấn Cư-Giám đốc Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cháy, nổ, chập điện tại nhà dân nhưng nguyên nhân chính là do ý thức chủ quan, sử dụng các thiết bị điện thiếu an toàn. Theo phân tích của ông Cư, hệ thống điện của nhiều nhà dân trên địa bàn thành phố còn khá đơn thuần. Nhiều người dân thường mua và sử dụng những loại dây điện, thiết bị điện có giá thành rẻ để lắp đặt, trong khi đó lại ít sử dụng các thiết bị tự ngắt điện khi có sự cố nên khi quá tải sẽ gây ra chập, cháy... "Hiện chúng tôi đang có khoảng 300.000 khách hàng trên địa bàn thành phố sử dụng điện. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, Điện lực Đà Nẵng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền đến từng nhà dân về công tác đảm bảo an toàn sử dụng điện, tư vấn lắp đặt, mua sắm các trang thiết bị điện trong gia đình... Chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra an toàn lưới điện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn, trộm cắp điện để đảm bảo sự an toàn, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra"- ông Cư nhấn mạnh.

Không chỉ cháy nhà dân, trong khu dân cư, mà nguy cơ cháy tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố cũng rất cao. Giải đáp thực trạng này, ông Phạm Văn Dũng-Phó Giám đốc Ban quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho rằng, nhận thức công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên chúng tôi đã tập trung nhiều giải pháp xây dựng lực lượng chữa cháy cơ sở, hướng dẫn cho các hộ tiểu thương, thương nhân, người dân đến chợ mua sắm cách PCCC, CNCH, thực hiện tuyên truyền, xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy. "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 2 giải pháp chính trong PCCC đó là con người và phương tiện. Tính đến nay, Cty đã trang bị được hơn 700 bình chữa cháy tại các chợ, Trung tâm thương mại, xây dựng lực lượng chữa cháy cơ sở vững mạnh và cụ thể hóa bằng các phương án PCCC, CNCH"- ông Dũng cho biết thêm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Công Trí đánh giá cao kết quả trong công tác PCCC và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố và của các sở, ban, ngành, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị... trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua. Theo đồng chí Võ Công Trí, trong những năm đến tình hình cháy, nổ sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp do quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa. Để công tác PCCC và CNCH nâng cao được hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, đồng chí Võ Công Trí yêu cầu, thời gian tới các ngành chức năng trên địa bàn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật PCCC, các chỉ đạo về công tác PCCC của Ban Bí thư, Thành ủy.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về PCCC, CNCH đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC, CNCH. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình "Cụm dân cư, khu chung cư an toàn về PCCC", "chợ kiểu mẫu về an toàn PCCC", "Cụm cơ quan, đơn vị an toàn về PCCC"... để nâng cao chất lượng công tác PCCC cơ sở, theo phương châm "4 tại chỗ". Lực lượng chuyên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra toàn diện về PCCC nhất là tại các cơ sở trọng điểm, khu công nghiệp, khu dân cư, nhà cao tầng, các chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, vũ trường, quán bar, kinh doanh xăng dầu, gas... để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về PCCC. Bên cạnh đó, phải kiện toàn lại bộ máy của lực lượng Cảnh sát PCCC, xây dựng lực lượng PCCC chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.

NGUYỄN TUẤN