Phòng thủ tên lửa và mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên

Thứ hai, 09/06/2014 11:34

(Cadn.com.vn) - Hệ thống phòng thủ tên lửa (MD) ba bên có thể là bước ngoặt trong việc đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Thông tin về khả năng Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa lần thứ 4 càng được củng cố khi những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, Bình Nhưỡng đang mở rộng các hoạt động tại bãi thử Pungyung-ri.

Theo tờ Diplomat, động thái này thật sự khiến Washington và Seoul lo ngại. Nhưng trong khi sự chú ý một lần nữa tập trung vào việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên, vốn được cho là có thể bắn đến Mỹ, chiến lược mặt đất đang chuyển dịch.

Triều Tiên tập trận bắn đạn thật hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Chuyển dịch chiến lược mặt đất

Trong 8-9 tháng vừa qua, cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên nghiêng đáng kể về phía liên minh Mỹ-Hàn, cả kể trên bộ, trên biển và trên không.

Chẳng hạn như trong thời gian, liên minh này công bố các khái niệm về chính sách răn đe “tit-for-tat” (ăn miếng trả miếng), tăng cường đáng kể hoạt động thế trận quốc phòng của Seoul. Trong khi đó, sự gia tăng hệ thống MD của Mỹ trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dần dần hạ mức khả năng chiến lược của Bình Nhưỡng với chương trình ICBM. Theo chính sách này, Seoul tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình Hyunmoo-2 hồi tháng 4, mà theo Nhà Xanh có thể đánh bại bất kỳ mục tiêu nào bên trong Triều Tiên.

Những đổi mới này là thách thức nghiêm trọng đối với Bình Nhưỡng. Kết quả là, trong động thái củng cố sức mạnh và gửi thông điệp mạnh mẽ đến liên minh này, Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 300-mm (còn được gọi là KN-09), có khả năng tiến đến Seoul, và thử nghiệm lại tên lửa “già nua” Scud, diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Hàn bước vào tuần thứ hai các cuộc tập trận quân sự chung. Triều Tiên cũng diễn tập bắn đạn thật gần hải giới tranh chấp với Seoul. Tuy nhiên, trái với năm 2013, khi Triều Tiên triển khai nhưng kiềm chế không bắn tên lửa Musudan, có tầm bắn ước tính đạt từ 640-5.300 km, giúp hạ nhiệt căng thẳng; năm nay, Bình Nhưỡng quyết định gửi thông điệp mạnh mẽ hơn bằng cách tung ra hai tên lửa Nodong tầm trung, động thái vốn chưa từng xảy ra kể từ tháng 7-2009.

Ý đồ chiến lược của Bình Nhưỡng với sự tái xuất hiện của Nodong là không hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên phân tích sơ bộ cho thấy, sự tập trung vào hệ thống đường điện thoại di động cùng với các vụ thử hạt nhân không thành công trước đó là minh chứng về một chương trình hạt nhân chiến thuật chứ không phải là chiến lược dài hạn.

Ba “đánh” một...

Cuối tháng 4, khái niệm hợp tác ba bên nổi lên trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Tokyo.

Trong khi Tokyo chắc chắn hoan nghênh sáng kiến của Mỹ, vốn giúp đẩy mạnh tham vọng thay đổi quyền tự vệ tập thể, những nỗ lực đổi mới của Washington dự kiến sẽ vấp phải một số chỉ trích tại Hàn Quốc. Kinh nghiệm thất bại với Seoul trong việc ký các hiệp định chung cùng với những thù hận lịch sử kéo dài giữa Nhật-Hàn, khiến Nhà Trắng thận trọng. Và Mỹ đã thất bại ở bước đầu. Washington muốn triển khai hệ thống MD tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, song Nhà Xanh thẳng thừng từ chối, một phần nguyên nhân là Nhật Bản cũng tham gia vào hệ thống này.

Nhưng mới đây, tại Đối thoại Shangri-La, cuộc gặp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn đánh dấu bước đi quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí tích cực cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Theo giới chuyên gia, hợp tác ba bên là giải pháp được mong mỏi trong thế kỷ XXI để giúp giải quyết tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Tập trung vào MD cũng giúp hạ thấp kỳ vọng sử dụng các ô hạt nhân của Mỹ và tránh phải đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, hợp tác MD ba bên sẽ là thảm họa. Đầu tiên, chiến thuật hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ chết. Thứ hai, chiếc ô hạt nhân của Mỹ sẽ được bổ sung bằng lá chắn tên lửa quốc phòng hiện đại này.  Và cuối cùng, hợp tác ba bên sẽ dẫn đến những chia sẻ các vấn đề khác liên quan đến tập trận chung và phản ứng quân sự khi xảy ra tình huống khẩn cấp ở bán đảo Triều Tiên. Kết quả là, chiến lược kiên nhẫn của Washington sẽ thắng thế, tư thế bảo vệ của Tokyo và Seoul sẽ được tăng cường, và nỗ lực của Bình Nhưỡng để ngăn chặn các liên minh sẽ thất bại.

Khả Anh