Phòng tránh thảm họa đuối nước cho học sinh

Thứ hai, 18/04/2016 09:47

(Cadn.com.vn) - Vụ 9 em học sinh lớp 6B, Trường THCS  xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi bị tử vong do đuối nước vào trưa 15-4 vừa qua đã làm bàng hoàng bao người trong cả nước. Từ trước đến nay, tai nạn đuối nước xảy ra khá nhiều nhưng một vụ mà có tới 9 em học sinh tử vong thì rất hiếm.

Dù không tới được thôn Thanh Khiết nhưng ai cũng có thể thấu hiểu nỗi đau thương bao phủ dày đặc của một làng quê nhỏ bé khi có gần chục em nhỏ lặng lẽ ra đi oan uổng! Rồi chỉ sau đó một ngày (16-4), hai cháu nhỏ ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi lại rơi xuống bể nước tự hoại, để lại nỗi xót xa vô bờ. Tôi cũng là người quá thấm thía nỗi đau đớn như chính những bậc làm cha, làm mẹ của các em này. Cách đây gần hai chục năm, khi mùa hoa phượng bung đỏ khoảng sân trường, đứa con đầu lòng của tôi vừa hết chương trình lớp 4 nghỉ học ở nhà. Trước khi đi làm buổi chiều, tôi khóa cổng rất cẩn thận, mặc dù có ông ngoại ở nhà thế mà cháu nghe bạn cùng lớp đứng bên ngoài rủ rê, bèn lén lút trèo rào ra, đi dọc bờ kè ven biển bắt còng, rồi chẳng may trượt chân và cả hai cháu níu nhau ra đi biền biệt...

Thi thoảng lật các trang báo, chúng ta không khỏi giật mình với những tai ương đớn đau tương tự. Chẳng hạn như một nhóm học sinh ở xã Kỳ Trinh, H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh ở lứa tuổi 14, 15 dắt díu nhau ra sông Đào bắt hàu, 4 em trượt chân xuống vực nước sâu và kết cục rất thê thảm!  Vụ 5 em học sinh bị tử vong ở biển Cửa Việt, Quảng Trị. Vụ 6 em ở Bình Thuận. Rồi 4 em ở Hà Nội bị đắm chìm, ngập ngụa trong hồ nước của một dự án đang thi công dang dở sau chiều mưa rào nặng hạt... Không ít vụ có tới 2-3 cháu đều là anh chị em ruột.

Mùa hè, hiểm họa đuối nước luôn rình rập các em học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Theo điều tra của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 7.000 trẻ em bị chết do đuối nước, đồng thời cũng là một quốc gia có trẻ em tử vong nhiều nhất trong khu vực, gấp 10 lần so với một số nước đang phát triển. Điều đó cho thấy mối nguy cơ bị đuối nước luôn rình rập từng giờ, từng ngày đối với trẻ em ở khắp mọi nơi. Nguyên nhân xảy ra tai nạn có rất nhiều nhưng điểm mấu chốt là do lứa tuổi các em đang trong thời kỳ hiếu động, hành động theo bản năng. Hơn nữa, nước ta ao hồ, mương máng, sông rạch nhiều. Đây chính là những cái bẫy đối với các em. Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước đều do các em trốn ông bà, cha mẹ, thầy cô để đi tắm hoặc lang thang, mò cua, bắt ốc.

Thực tế cho thấy, số học sinh ở lứa tuổi tiểu học, THCS bị tai nạn sông nước thường mang tính tập thể nhiều hơn, bởi các em rất ham vui, thích nô đùa, chơi bời với bè bạn đồng trang lứa, nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Đặc biệt, đa số các em không biết bơi nên khi gặp nạn không có kỹ năng xử lý trong tình huống khẩn cấp. Cũng có vụ, tuy các em biết bơi đôi chút, khi thấy bạn gặp nạn liền nhảy xuống cứu nhưng lại thiếu hiểu biết  kỹ thuật cứu người đuối nước đã bị bạn bu bám, nhấn chìm theo. Với những người có kinh nghiệm thì trong các trường hợp này, khi bơi ra cứu, họ thường nắm tóc, hoặc nắm chân người bị nạn để bơi dìu vào chứ không bao giờ nắm tay, vì giữa lúc họ bị hoảng loạn sẽ ôm chặt vào tay chân người cứu, không thể bơi được.

Trước mối nguy cơ này, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành Văn bản số 664 chỉ đạo các sở GD-ĐT địa phương triển khai công tác phòng chống đuối nước, đồng thời tổ chức thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học (giai đoạn 2010-2015) nhưng xem ra vẫn còn nhiều bất cập vì không ít trường chưa có địa điểm dạy bơi, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nên chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở mức giáo dục, nhắc nhở các em. Những năm gần đây, TP Đà Nẵng triển khai "Dự án bơi an toàn", tiến hành dạy bơi cho học sinh cấp tiểu học, trang bị được hơn 20 bể bơi mini kích cỡ 6x12m cùng với một số bể bơi tự tạo đặt trên các bãi biển để cho học sinh tập luyện, thu hút hơn 5.000 học sinh/năm, cùng với việc quản lý, giáo dục của gia đình do đó các vụ học sinh đuối nước giảm hẳn. Tuy nhiên, số học sinh chưa biết bơi cũng như nhận thức về mối nguy hiểm và thiếu kỹ năng phòng vệ khi đuối nước còn nhiều hạn chế, nếu sơ sẩy, tai họa sẽ ập đến khó lường.

 Tiếng ve sắp bắt đầu râm ran, hoa phượng chuẩn bị rộ nở ở khắp các ngả đường, sân trường sắp vắng bóng học sinh cũng là thời điểm nắng nóng gay gắt. Các bãi biển, sông hồ, đầm phá là những điểm trẻ em ưa thích tắm táp, vẫy vùng. Dẫu biết rằng việc quản lý các em không chút dễ dàng nhưng hơn ai hết, gia đình là nhân tố hàng đầu trong việc theo dõi mọi biến động của con cái trong những ngày hè nóng bức, tạo ra các phương pháp vui chơi, giải trí lành mạnh để các em có điều kiện tránh xa với sông nước thì những thảm họa đau lòng mới được ngăn chặn.

Thái Mỹ