Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại TP Đà Nẵng: Nhiều mô hình hay được dân hiểu, dân làm

Thứ ba, 07/03/2023 13:43
Hiện nay, toàn TP Đà Nẵng có 156 mô hình trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (BVANTQ) đã và đang phát huy được những giá trị tích cực. Bên cạnh những mô hình thiết thực, ý nghĩa, các địa phương, đơn vị cũng rà soát, xây mới và chấm dứt hoạt động những mô hình không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Phường Thuận Phước tổ chức Ngày hội điểm phong trào toàn dân BVANTQ và tổ chức cho các hội đoàn thể, nhân dân ký kết thực hiện mô hình mới.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng kiểm tra thực hiện mô hình "CAP kiểu mẫu về văn hóa, văn minh đô thị" tại CAP Hải Châu 1 (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Theo đánh giá của Công an TP Đà Nẵng, có 78% trong tổng số 156 mô hình đạt loại khá, tốt đã phát huy tác dụng. Nhiều mô hình theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở, có tính xã hội cao, được nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng và đem lại hiệu quả thiết thực như: "Câu lạc bộ Cựu chiến binh, Cựu quân nhân phòng, chống tội phạm" của P. Mỹ An; "Tuyến biển bình yên", "Câu lạc bộ Cựu chiến binh, Cựu quân nhân phòng, chống tội phạm" của P. Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn); "Khu dân cư Văn hóa biển Kim Liên" của P. Hòa Hiệp Bắc; "Phụ nữ nói không với cờ bạc, số đề" của P. Hòa Hiệp Nam (Q. Liên Chiểu); mô hình "3 tăng" ở CAQ Hải Châu; mô hình "CAP đồng hành cùng sinh viên về nơi ở" của CAP Hải Châu 1; mô hình "Thăm viếng, động viên, chia sẻ với gia đình người dân có người thân bị đau ốm, tử nạn, qua đời" của CAP Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu); "Đội sinh viên tự quản hoạt động ngoại trú" của Thành đoàn Đà Nẵng, "Đội sinh viên tự quản ký túc xá" của Đại học Đà Nẵng...

Ghi nhận tại P. Thuận Phước (Q. Hải Châu) là một trong những địa phương xây dựng, duy trì nhiều mô hình hay, hiệu quả, đây cũng là địa phương thường xuyên được thành phố và quận lựa chọn để tổ chức các Ngày hội điểm của phong trào toàn dân BVANTQ. Theo Thiếu tá Nguyễn Phi Minh- Phó trưởng CAP, nhiều mô hình thiết thực như "Hộ gia đình tự quản, khu phố bình yên" được phát động từ năm 2015 đã trở thành kênh thông tin liên lạc của Cảnh sát khu vực, CAP cung cấp đến từng hộ gia đình; hay "Camera an ninh công cộng" là một trong những mô hình thiết thực, đem lại nhiều hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại khu vực dân cư mà chính quyền đã dành nhiều tâm huyết, công sức và kinh phí đóng góp của nhân dân. Hiện nay, CAP đã tham mưu và triển khai thực hiện phong trào "Hộ gia đình tự quản 4 phòng, tiên phong- Khu phố đoàn kết, bình yên" để phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi chủ hộ gia đình và thành viên đối với công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ở khu dân cư.

Cũng giống như P. Thuận Phước, mô hình "Thập gia 3 an toàn" được P. Nam Dương (Q. Hải Châu) phát động thực hiện từ đầu năm 2014. Qua 7 năm thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương. Các nhóm thập gia đã cung cấp cho CAP nhiều tin bài có giá trị giúp điều tra, làm rõ, giải quyết 125 vụ việc. Trong đó có 33 vụ việc vi phạm pháp luật. Theo đánh giá, mặc dù mô hình này đạt được các yêu cầu đặt ra nhưng so với đòi hỏi thực tế tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Chính vì vậy, CAP Nam Dương đã tham mưu, xây dựng và triển khai mô hình "4 tự quản" gồm: Tự quản tài sản; tự quản lý, giáo dục người thân trong gia đình; tự quản về cư trú và tự quản về PCCC. Qua đó góp phần tuyên truyền và nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, trách nhiệm trong công tác xây dựng và giữ gìn thế trận an ninh nhân dân.

Phường Thuận Phước tổ chức Ngày hội điểm phong trào toàn dân BVANTQ và tổ chức cho các hội đoàn thể, nhân dân ký kết thực hiện mô hình mới.

Đặc biệt thời gian qua, mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" do Giám đốc Công an TP Đà Nẵng phát động đã tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian giúp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính và đảm bảo tốt tình hình ANTT, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ chiến sĩ, được lãnh đạo chính quyền các cấp và nhân dân đánh giá cao. Tính đến nay đã có 56/56 Công an xã, phường tổ chức thực hiện, vượt chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn thí điểm. Lực lượng Công an cơ sở đã tổ chức 4.628 ca/16.390 lượt cán bộ chiến sĩ tuần tra kiểm soát; 726 ca/4.590 lượt cán bộ chiến sĩ tổ chức các biện pháp phòng chống tội phạm; tiếp nhận, xử lý 14.424 tin báo, phản ánh; giải quyết 26.637 trường hợp về hồ sơ cư trú và các thủ tục hành chính khác...

Nhiều đơn vị, địa phương sử dụng hiệu quả mạng xã hội để tổ chức tuyên truyền và cũng là kênh thông tin để người dân tố giác tội phạm. Điển hình như mô hình "Hội nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh" do Công an huyện Hòa Vang tham mưu UBND huyện ban hành quyết định, quy chế hoạt động đã tập hợp được 30 hội, nhóm, trang mạng xã hội facebook có đông thành viên tham gia để đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đưa thông tin tin cậy, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Riêng tại xã Hòa Phong, địa phương đang xây dựng thí điểm mô hình "Xã điển hình về phong trào toàn dân BVANTQ" qua hơn 1 năm thực hiện mô hình "Zalo phòng chống tội phạm" đã huy động quần chúng nhân dân tham gia một cách tích cực, nhân dân chủ động cung cấp hơn 100 tin cho lực lượng Công an, trong đó có 25 tin giá trị góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn xã.

Có thể thấy rằng, với sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện và xây dựng các mô hình đã phát huy được những giá trị tích cực. Với 3 chủ thể quan trọng Công an là lực lượng nòng cốt; Mặt trận đoàn thể là cầu nối phát động; cán bộ, nhân dân là hạt nhân phong trào đã tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, tạo chuyển biến mới về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn khu dân cư.

M.VINH