"Phóng viên phản ứng nhanh"

Thứ hai, 19/06/2017 09:00

(Cadn.com.vn) - Làm nghề phóng viên, nhà báo đã vất vả rất nhiều nhưng làm phóng viên của báo Biên phòng còn khổ hơn gấp trăm, ngàn lần. Bởi địa bàn tác nghiệp của phóng viên báo Biên phòng là những nơi đầy hiểm nguy, gian khó với bao núi cao, vực sâu hay ở những nơi đảo xa quanh năm mịt mù sóng gió và bão tố. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, yêu người, nhà báo Trần Hoàng Anh, phóng viên của báo Biên phòng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đến với đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo xa xôi.

Nhà báo Biên phòng Trần Hoàng Anh đang phỏng vấn bà con dân tộc Cơ Tu, xã A Xan, H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Có lệnh là lên đường

Hoàng Anh vốn mê nghề viết báo từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Lớn lên, vào bộ đội, một cơ duyên đưa Hoàng Anh đến với nghề báo khi được điều về làm nhân viên Ban Tuyên huấn, phòng Chính trị BĐBP tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Trong suốt thời gian dài, dù có phải chuyển sang làm ở nhiều công việc khác nhau nhưng anh vẫn chăm chỉ viết báo. Từ khi chưa có thẻ nhà báo, Hoàng Anh đã "gặt hái" được một số giải thưởng về báo chí của Trung ương, của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) và của Bộ Tư lệnh BĐBP.

Cuối năm 2001, khi Báo Biên phòng được phép xuất bản rộng rãi, Hoàng Anh được cấp trên điều ra làm phóng viên chính thức. Trong tòa soạn báo Biên phòng, ngoài các phóng viên trong tổ Thời sự-chính trị và một số phóng viên kỳ cựu vào dạng "cây đa, cây đề" của báo thì Hoàng Anh được Ban biên tập tin tưởng giao cho nhiệm vụ "thường trực chiến đấu". Tuy không nằm trong "đội hình" của tổ Thời sự-chính trị, nhưng là người nhanh nhẹn, năng động, yêu nghề và có nhiều tâm huyết với nghề báo nên hễ có việc gì cần kíp, quan trọng là Ban biên tập lại yêu cầu Hoàng Anh lên đường làm nhiệm vụ. Chẳng nề hà bất cứ công việc gì, bất kể ngày nắng hay mưa, bão tố, mưa lũ, sóng to, gió lớn cấp nào...hễ có lệnh là Hoàng Anh lập tức lên đường. Nhiều chuyến công tác đột xuất vào những nơi cực kỳ gian khổ như vụ sạt lở núi tại bản Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai; trận lở núi trên công trường thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An hay cơn bão Chan Chu, tại Đà Nẵng... đã giúp Hoàng Anh càng ngày càng trưởng thành trong nghề báo. Cũng chính vì vậy, nhiều người trong tòa soạn báo Biên phòng vẫn gọi anh bằng cái tên vui vui là "phóng viên phản ứng nhanh".

Có lần Hoàng Anh tâm sự, làm "phóng viên phản ứng nhanh" cũng có nhiều nỗi buồn nhưng niềm vui còn lớn hơn gấp bội. Buồn vì phải thường xuyên xa gia đình, xa cơ quan, xa đồng đội nhưng vui là được làm việc, được cống hiến hết mình, được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người và học hỏi được nhiều điều mới lạ... Với anh, niềm vui cứ nhân lên theo từng bước chân trên khắp những nẻo đường công tác.

Bức ảnh đáng nhớ

Khi được hỏi về kỉ niệm nào đáng nhớ nhất với anh, Hoàng Anh trả lời: "Trong cuộc đời làm báo, có lẽ tôi sẽ không thể nào quên được kỷ niệm về chuyến đi viết về cơn bão số 5, có tên quốc tế là Lê Ki Ma, đổ bộ vào tỉnh Hà Tĩnh vào những ngày đầu tháng 10-2007. Lần đó, tôi được tòa soạn cử đi theo đoàn chỉ đạo phòng chống lụt bão của Bộ Tư lệnh BĐBP do Đại tá Bùi Song Nhâm, Phó Tham mưu trưởng BĐBP làm trưởng đoàn. Đang dầm mình trong mưa gió để chỉ đạo các lực lượng tham gia giúp nhân dân các xã ven biển huyện Lộc Hà, chúng tôi nhận được điện thoại của đồng chí Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu đoàn công tác chúng tôi phải vào ngay các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh vì theo thông tin của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương vừa thông báo, cơn bão số 5 lại đổi hướng đi thẳng vào đất liền tại địa bàn các huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Dự kiến đến 21 giờ đêm 3-10-2007 bão sẽ đổ bộ vào đất liền tại khu vực giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng tôi nhanh chóng rời Thạch Kim, tiếp tục xuôi về phía Nam để đến xã Cẩm Nhượng, H. Cẩm Xuyên. Cả ngày hôm đó, chúng tôi phải ăn mì tôm khô và uống nước mưa cầm hơi để chống bão. Do ngâm mình trong mưa gió lâu nên mặt ai cũng tím tái, nhợt nhạt. Tuy nhiên, không ai bảo ai mọi người vẫn lao vào chống bão. Khi chúng tôi xuống đến các thôn sát biển như Nguyễn Năm, Dy Hy, Hữu Dương, Hoa Thưởng, Lô Ngà, Võ Đa của xã Cẩm Nhượng đã thấy hơn 50 cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh và Đồn BP Cẩm Nhượng đã có mặt tại đây. Tận mắt nhìn thấy những cơn sóng bạc đầu cao cả chục mét xô vào bờ, tung bọt trắng xóa, chúng tôi không khỏi ái ngại cho những căn nhà nằm sát ven chân đê. Tôi lập tức lôi chiếc máy ảnh ra bấm lia lịa cảnh các chiến sĩ Đồn BP Cẩm Nhượng đang cùng nhân dân dầm mình trong mưa, lũ bất chấp sóng to, gió lớn để cứu đê, cứu tài sản của nhân dân. Do nước mưa bão và nước biển văng tung tóe, sợ máy ảnh bị ướt, tôi phải cởi chiếc áo mưa đang mặc trên người để che cho máy ảnh, mặc cho người ướt sũng".

Sau trận bão đó, một trong những tấm ảnh của Hoàng Anh chụp cảnh cán bộ chiến sĩ đồn BP Cẩm Nhượng giúp nhân dân thôn Võ Đa, xã Cẩm Nhượng, tỉnh Hà Tĩnh hộ đê, chống bão đã được giải nhì trong cuộc thi ảnh nghệ thuật "Vì biên cương Tổ quốc" do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức tháng 2-2009 nhằm chào mừng kỉ niệm 20 năm "Ngày Biên phòng toàn dân" và 50 năm Ngày truyền thống BĐBP.

Gia Minh