Phụ nữ Ấn Độ với cuộc chiến chống ly hôn tức thời
Tòa án Tối cao Ấn Độ vừa ra phán quyết, việc ly hôn tức thời của người Hồi giáo là vi hiến. Điều này được hoan nghênh và được xem như thắng lợi to lớn của các nhà hoạt động nhân quyền. Tuy nhiên, cuộc chiến này không hề dễ dàng.
Cuộc sống của hàng nghìn phụ nữ bị hủy hoại bởi hủ tục ly hôn tức thời. Ảnh: BBC |
"3 lần talaq"
Trong nhiều năm qua, phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ luôn phải sống với nỗi lo ly hôn treo lơ lửng trên đầu. Họ sợ bị vứt khỏi nhà trong một giây nếu người chồng muốn kết thúc cuộc hôn nhân chỉ bằng cách nói 3 từ "talaq".
Chiến dịch chấm dứt hủ tục "3 lần talaq" đã bắt đầu ở Ấn Độ vài thập kỷ trước. Tuy nhiên, nó chỉ được chú ý trở lại hồi năm ngoái, khi Shayara Bano, một phụ nữ 35 tuổi và là mẹ của 2 đứa con gửi đơn lên Tòa án Tối cao tìm kiếm sự công bằng. Đơn kiến nghị của Bano được đệ trình vào tháng 2-2016 cho biết, cô đang đến thăm nhà cha mẹ mình ở tiểu bang Uttarakhand thì nhận được bức thư của chồng viết 3 chữ talaq, ý nói anh ta muốn ly hôn với cô. Những nỗ lực níu kéo cuộc hôn nhân 15 năm qua của Bano không thành công. Cô cũng không được cho gặp con mình. Trong đơn, cô yêu cầu tòa ra lệnh cấm tục lệ này, cáo buộc nó cho phép người đàn ông Hồi giáo đối xử với vợ như "cơm hộp".
Cô cũng yêu cầu tòa án cấm tục lệ Halala (quy định một người phụ nữ đã ly hôn phải cưới một người đàn ông khác, sau đó ly hôn rồi mới được quay trở về với người chồng cũ) và tục đa thê (đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ được phép lấy 4 vợ). "Các hủ tục này là bất hợp pháp, trái với hiến pháp, phân biệt đối xử và chống lại các nguyên tắc hiện đại về bình đẳng giới", Shayara Bano viết trong đơn.
Kiến nghị của Bano giúp ích rất nhiều cho cho chiến dịch Phong trào Phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ chống lại hủ tục "3 lần talaq" trong vài năm gần đây. Zakia Soman, một trong những thành viên sáng lập của BMMA, cho biết: "Tập tục này không có gì ngoài chế độ gia trưởng giả dạng tôn giáo. Ai đã đưa ra luật pháp cho phép lấy đi quyền mà Thánh Allah ban cho chúng ta?".
Năm 2007, BMMA bắt đầu biên soạn một danh sách những phụ nữ phải đối mặt với tục ly hôn tức thời. "Chúng tôi đã khảo sát 4.710 phụ nữ và trong số 525 người đã ly hôn, 414 người (78%) ly hôn theo hủ tục "3 lần talaq". BMMA phát hành một báo cáo ghi chép gần 100 trường hợp phụ nữ bị bỏ đói và không có nơi nào để đi. Tháng 12-2012, họ đã tổ chức cuộc điều trần công khai về vấn đề này, với sự tham dự của 500 phụ nữ trên khắp Ấn Độ. Họ đã viết thư cho Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng các vấn đề dân tộc thiểu số và phụ nữ, trẻ em. Họ thu thập được 50.000 chữ ký, kêu gọi ban hành lệnh cấm "3 lần talaq".
2 tháng sau khi đơn kiện của Shayara Bano được đệ trình, một phụ nữ khác tên Aafreen Rahman cũng nộp đơn thách thức việc ly hôn của cô tại Tòa án Tối cao. Trong những tuần tiếp theo, 3 phụ nữ và 2 tổ chức phụ nữ khác, gồm cả BMMA, đã đưa ra những cáo buộc tương tự lên tòa án về tập tục này.
Tòa án đã lập Ủy ban thẩm phán, gồm 5 thành viên thuộc các tôn giáo khác nhau phổ biến trong nước, đứng đầu là Chánh án JS Khehar, đã thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết theo đa số trước khi công bố phán quyết cuối cùng. Kết quả, 3 trong 5 thẩm phán thống nhất quan điểm, tục lệ "3 lần talaq" đi ngược lại với tôn chỉ của Hiến pháp Ấn Độ và cả giáo lý Hồi giáo.
Phán quyết bước ngoặt
Phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ được cho là mang tính bước ngoặt, mang lại quyền bình đẳng cho nữ giới.
Đây được coi là chiến thắng dành cho hơn 90 triệu phụ nữ Ấn Độ trước hủ tục ly hôn này mà họ nỗ lực đấu tranh để xóa bỏ nó hàng thập kỷ qua. Hủ tục này đã "không còn thực tiễn với tôn giáo đạo Hồi và còn vi phạm đạo đức, vi hiến", phán quyết của Tòa án Tối cao cho biết. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với phán quyết này. Tòa án tối cao đưa ra thời hạn 6 tháng để chính phủ ban hành luật điều chỉnh quy định trong Luật Hôn nhân Hồi giáo. Trong thời gian chờ luật mới có hiệu lực, không ai được phép ly hôn theo tục lệ cũ.
Phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ cũng được đánh giá là dấu mốc mang tính lịch sử của ngành Tư pháp nước này khi sẵn sàng thay đổi tục lệ vốn đã ngấm sâu trong tư tưởng các thế hệ người Hồi giáo Ấn Độ. Với phán quyết này, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 23 cấm tục lệ ly hôn tức thì giống như các nước láng giềng Pakistan, Bangladesh, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất hay Malaysia.
AN BÌNH (Theo BBC)