Phụ nữ IS - họ là ai?

Thứ hai, 01/06/2015 12:50

(Cadn.com.vn) - Các nhà nghiên cứu tại Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) ở London, Anh đang ngày càng lo ngại khi có sự gia tăng "đột biến chưa từng có trong việc tuyển dụng phụ nữ" cho IS thông qua các phương tiện trực tuyến bao gồm Twitter, Facebook,

Tumblr và blog.

Cơ sở dữ liệu của ISD cung cấp cái nhìn duy nhất về cuộc sống hàng ngày của những người phụ nữ IS. Họ hy vọng, bằng cách kiểm tra cách các nhóm khủng bố sử dụng phụ nữ làm việc, các nhà phân tích sẽ hiểu cách thức nhóm làm việc, và làm thế nào để đối phó. "Các phụ nữ nằm trong độ tuổi 13-40, có trình độ, nghề nghiệp và nền tảng gia đình khác nhau. Nó rất phức tạp", nhà nghiên cứu cao cấp của ISD Erin Saltman cho biết. Báo cáo mới của ISD vẽ ra bức tranh: một nhóm đa dạng các phụ nữ ở các độ tuổi và nguồn gốc khác nhau đang đóng một loạt các vai diễn cho IS. Vậy họ là ai?

Blogger

Shams, một phụ nữ tự gọi mình là "Con chim của Jannah" hiện đang điều hành một blog mà các chuyên gia cho rằng, đó là công cụ tuyển dụng hấp dẫn của IS.

Dù là nhân vật nổi tiếng trên mạng trực tuyến, thông tin chi tiết về danh tính thực sự của Shams rất khan hiếm. Manh mối được thể hiện qua các bài viết cho thấy cô 27 tuổi, đến từ Malaysia, nhưng có nguồn gốc từ Ấn Độ và Pakistan. Được đào tạo như một bác sĩ, nhưng cô đã rời bỏ tất cả để bắt đầu cuộc sống mới với IS, nơi cô điều hành một phòng khám y tế cho phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ sinh sản, và tiêm chủng vaccine. Sự tôn kính của mình đối với IS được thể hiện rõ trên blog của cô. Cô kể câu chuyện tình yêu của mình và cách cô có được niềm tin, tình yêu và tình chị em ở Syria.

Một khi đã gia nhập IS, những phụ nữ này hầu như không có con đường trở về. Ảnh: CNN

Các nữ sinh

Các đây vài tháng, trang Twitter của Amira đăng những nội dung mà các nữ sinh London thường làm như hãng giày yêu thích, đội bóng đá yêu thích, môn học ghét nhất... Tuy nhiên, gần đây, cô gái 15 tuổi này đều đặn đưa lên những bài viết về hoàn cảnh của người tị nạn Syria và gửi đến cho 2 cô bạn cùng lớp Khadiza Sultana và Shamima Begum. Chẳng bao lâu sau, các bài đăng trên Twitter của Amira đậm mùi chính trị và tôn giáo.

Hồi tháng 2, hình ảnh xuất hiện trên Twitter của Abase cho thấy, 3 người phụ nữ mang mạng che mặt toàn thân với chú thích "những chị em gái". 4 ngày sau đó, họ đến sân bay để đến Istanbul, vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để vào Syria. Cuối cùng, cả ba đến thành trì của IS ở Raqqa. Trong tuần này, các cô gái liên lạc với gia đình và tuyên bố "sẽ không trở về Anh trong tương lai gần".

Trẻ em

Zaynab Sharrouf mới 13 tuổi khi cha cô, Khaled Sharrouf, bị kết án khủng bố, nên phải đưa gia đình chạy trốn từ Australia đến Syria. Cô bé sống trong lãnh thổ của IS nên "bị nhiễm ý thức hệ cực đoan bạo lực".

Chỉ hơn 1 năm sau khi đặt chân đến Syria, Zaynab phải kết hôn với bạn thân của cha, Mohamed Elomar, một tay súng chiến đấu của IS đến từ Sydney. Elomar nổi tiếng trong giới truyền thông Australia khi đăng các bức ảnh cho thấy y, vợ và con trai đang cầm những chiếc đầu của các nạn nhân bị IS hành quyết.

Khi mới đặt chân đến lãnh thổ IS, những bài viết trên mạng của Zaynab phản ánh "thị hiếu và nguyện vọng của một thiếu nữ lớn lên ở phương Tây" như muốn có iPad màu trắng và một chiếc Lamborghini màu hồng. Tuần này, có những thông tin cho biết gia đình Zaynab đang tìm cách quay về Australia, song Thủ tướng Tony Abbott cảnh báo họ sẽ "đối mặt với mức độ nghiêm trọng đầy đủ" của pháp luật nếu làm như vậy.

Các góa phụ

Chỉ một năm trước, cặp song sinh Zahra và Salma Halane, 16 tuổi, là những học sinh đạt thành tích cao trong học tập tại trường học ở miền bắc nước Anh.

Nhưng vào tháng 6-2014, họ chạy trốn khỏi nhà, đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là Syria. Trong vòng vài tuần sau đó, họ kết hôn với các tay súng IS. Trên trang Twitter, Salma đưa ra những lời khuyên cho những cô gái mới gia nhập IS cách để tìm thấy một người chồng. Còn Zahra sử dụng Twitter để khuyến khích công việc của những kẻ khủng bố Hồi giáo. Hai cô gái gốc Somalia, được cho là đã bị ảnh hưởng bởi anh trai, người từng đến chiến trường Syria vào năm 2013.

An Bình
(Theo CNN)