Phương án cung ứng hàng thiết yếu thích ứng với từng cấp độ dịch COVID-19
Ngày 24-12, Sở Công Thương TP đã xây dựng và ban hành Phương án số 3357/PA-SCT về việc cung ứng hàng thiết yếu theo các cấp độ nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
CATP Đà Nẵng tổ chức các điểm bán trợ giá hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện “phong tỏa cứng” để phòng chống dịch COVID-19.
Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và lãnh đạo CATP kiểm tra, động viên CBCS tại 1 điểm bán hàng trợ giá.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, mục đích xây dựng phương án trên là để các đơn vị cung ứng, phân phối trên địa bàn TP có kế hoạch dự trữ hàng thiết yếu nhằm đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời với giá cả hợp lý, đảm bảo VSATTP phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; các đơn vị cung ứng, phân phối, người tham gia hoạt động cung ứng, người vận chuyển và người dân trong quá trình hoạt động, mua bán phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu hàng thiết yếu để phối hợp với các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hoá có hướng xử lý phù hợp, đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân.
Phương án này được áp dụng trong phạm vi cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện. Tùy theo cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, UBND các quận, huyện chủ động xây dựng và thực hiện phương án cung ứng hàng thiết yếu trong các tình huống phòng chống dịch COVID-19 phù hợp.
Cụ thể, trong điều kiện bình thường hoặc cấp 1 – nguy cơ thấp (bình thường mới) và trong điều kiện nguy cơ trung bình (cấp 2), các đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động gồm có: chợ truyền thống, chợ đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mi-ni); siêu thị mi-ni, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác. Về điều kiện hoạt động, đối với các đơn vị cung ứng, phân phối phải có phương án hoặc kế hoạch hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành Trung ương; phải có thiết bị quét mã QR Code cá nhân hoặc mã QR Code địa điểm để kiểm soát, quản lý người ra vào; phải tự tổ chức xét nghiệm SARS-Cov-2 cho người lao động và đảm bảo quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan (trừ các chợ truyền thống); đối với người tham gia hoạt động (người lao động, người giao nhận…) tại các kênh phân phối và người mua hàng phải đảm bảo các yêu cầu sau: thực hiện nghiêm quy định “5K”, tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, có mã QR Code cá nhân và thường xuyên sử dụng mã QR để khai báo y tế khi tham gia hoạt động (hiệu lực sử dụng trong vòng 72 giờ).
Trong điều kiện nguy cơ cao (cấp 3), các đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động gồm có: chợ truyền thống, chợ đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mi-ni); siêu thị mi-ni, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác. Về điều kiện hoạt động, ngoài những điều kiện như ở phần trên, còn có thêm các điều kiện sau đây: chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ nằm trong chợ đầu mối chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ, chỉ bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng hay quầy hàng và có vách ngăn giữa người bán và người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối phục vụ tối đa 20 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người.
Trong điều kiện nguy cơ rất cao (cấp 4), các đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động, gồm có chợ truyền thống, chợ đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mi-ni); siêu thị mi-ni, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác, các điểm bán hàng cố định, lưu động. Về điều kiện hoạt động, ngoài những điều kiện như đã nêu ở nội dung kể trên, còn bổ sung các điều kiện như sau: chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ nằm trong chợ đầu mối chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống và không phục vụ tại chỗ, chỉ bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng hay quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (trừ khu vực bán lẻ) phục vụ tối đa 10 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người; người tham gia hoạt động phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 72 giờ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Hữu Hạnh cho biết thêm: Trong quá trình triển khai thực hiện phương án này, Sở sẽ theo dõi sát tình hình cung cầu hàng thiết yếu trên địa bàn TP để có hướng xử lý phù hợp; hướng dẫn các đơn vị cung ứng, phân phối hoạt động thích ứng an toàn với dịch COVID-19; phối hợp với UBND các quận, huyện và các sở, ban, ngành hữu quan tổ chức phân phối hàng hóa về các xã, phường và tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động khi cần cũng như tổ chức mua và phân phối hàng cứu trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi có chỉ đạo của UBND TP; đề nghị CATP, BCH Quân sự TP hỗ trợ vận chuyển, phân phối hàng đến người dân trong trường hợp cần thiết... Cũng trong phương án này, Sở Công Thương TP còn lập danh sách cụ thể 93 điểm bán hàng, chợ tạm (địa chỉ, tên đơn vị thực hiện, số điện thoại liên lạc) dự kiến bố trí thực hiện việc cung ứng hàng thiết yếu khi có yêu cầu.
PHÚ NAM