Phương Tây đẩy Ukraine vào cửa tử
(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) chỉ càng giết chết thỏa thuận hòa bình cho vấn đề đông Ukraine.
Mọi việc dường như diễn ra đúng như kế hoạch của các cường quốc phương Tây: các lệnh trừng phạt và giá dầu giảm khiến Nga rơi vào khủng hoảng, để từ đó Moscow sẵn sàng thỏa hiệp về vấn đề xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, thực chất vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Giới phân tích cho rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của Mỹ và phương Tây đang ngày càng giết chết thỏa thuận hòa bình vốn rất mong manh cho đông Ukraine. Theo đó, Moscow giờ đây rõ ràng buộc phải tập trung giải bài toán kinh tế thay vì tập trung giải bài toán chính trị khá rắc rối này.
Đông Ukraine bùng phát xung đột đẫm máu trong tuần này, |
“Nga đã quá mệt mỏi”
Nỗ lực đi đến thỏa thuận hòa bình cho Ukraine trong tuần này lại thất bại khi Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên (Nga, Ukraine, Pháp, Đức) không diễn ra như kế hoạch ngày 15-1. Nguyên nhân là do sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng ở Berlin và làn sóng bạo lực mới làm rung chuyển đông Ukraine.
Hôm 13-1, ít nhất 12 dân thường thiệt mạng khi một xe buýt bị trúng tên lửa ở phía tây nam Donetsk, trong vụ việc mà cả phe chính phủ và phe nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất đối với thường dân từ khi thỏa thuận ngừng bắn ra đời hồi tháng 9-2014. Không rõ liệu làn sóng bạo lực mới trong tuần này có liên quan đến các cuộc đàm phán hòa bình không thành công này hay không. Nhưng hôm 14-1, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ukraine có cuộc điện đàm nhằm giải quyết bất đồng. Và một khi bất đồng được thu hẹp, nó sẽ dọn đường cho các cuộc hội đàm cấp cao hơn để thảo luận triển khai thỏa thuận hòa bình Minsk.
Nhưng hy vọng đặt vào kế hoạch này thật mong manh. Lý do theo Giám đốc viện Chiến lược toàn cầu tại Kiev, Vadym Karasyov: “Tổng thống Nga Putin có thể quá mệt mỏi với vấn đề của Ukraine và EU cũng vậy”.
Ukraine khốn đốn
Nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bất ổn mới ở các khu vực khác của Ukraine khi cuộc chiến ở miền đông kéo dài.
Và khi Ukraine càng rơi vào bế tắc, họ càng cần hơn bàn tay giúp đỡ từ phương Tây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, Ukraine có thể cần thêm 15 tỷ USD từ các nhà cho vay trên khắp thế giới trong năm nay, bên cạnh khoản vay 17 tỷ USD từ IMF. Ukraine cũng có thể để mất niềm tin và tổn thất nhiều hơn nữa nếu xung đột kéo dài. Hôm 14-1, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom nói về kế hoạch ngừng trung chuyển khí đốt đến Châu Âu qua Ukraine. Tại cuộc họp với EU, Tổng Giám đốc Gazprom, Alexei Miller khuyên liên minh này nên nhanh chóng xây dựng tuyến đường ống đến Thổ Nhĩ Kỳ vì “nếu không sẽ bán lượng khí đốt đó cho các thị trường khác”.
Một số nhà phân tích cho rằng, ông chủ Điện Kremlin có thể chịu được những thiệt hại về kinh tế trong thời gian dài hơn so với dự kiến là nhờ dự trữ lớn của Nga. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đang làm cho các quốc gia EU khốn đốn vì phụ thuộc xuất khẩu vào Nga. Bên cạnh đó, Moscow còn có đòn bẩy liên quan đến khoản vay 3 tỷ USD buộc Kiev phải trả vào tháng 12 tới sau khi cảnh báo buộc nước láng giềng trả sớm hơn nếu bị phương Tây “dồn vào chân tường”. Nga ngoài ra còn có thể “tận dụng” lợi thế gần gũi về địa lý với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như lời của Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố tại diễn đàn Gaidar lần thứ 6 vừa qua. “Họ khó khăn nhưng có động lực”, chuyên gia Philippe Migault nhận xét về nước Nga.
Tuy nhiên, Nga phải cẩn thận hơn khi Mỹ đang đe dọa trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa nhằm vào Moscow. Tổng thống Putin cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng danh tiếng nếu không thể giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng kinh tế ở trong nước.
Khả Anh