Phương Tây với cuộc chiến chỉ trích Trung Quốc

Thứ bảy, 18/04/2020 12:07

Trong một động thái bất ngờ, TP Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh chết người này, ngày 17-4 công bố số ca tử vong tại đây tăng thêm 1.290 lên 3.869 ca (tăng 50%) so với thống kê trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 325 lên 50.333 ca (0,65%).

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán.  Ảnh: AFP

Nhà chức trách Trung Quốc giải thích, một số bệnh viện tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân hoặc trường hợp nghi mắc bệnh, dẫn đến các báo cáo không chính xác, chậm trễ hoặc bị bỏ qua. Tuy nhiên, mọi nghi ngờ vẫn đổ dồn vào con số thống kê của Trung Quốc, cho rằng, số lượng việc kiểm đếm số người chết và ca mắc bệnh của nước này không thật sự minh bạch.

Anh, Pháp vào cuộc

Mỹ đã dẫn đầu “cuộc chiến” chống lại Trung Quốc về vấn đề Covid-19, đặt câu hỏi về việc xử lý đại dịch của nước này và liệu có bao nhiêu thông tin thực sự Bắc Kinh đã chia sẻ với cộng đồng quốc tế kể từ khi virus này xuất hiện vào cuối năm ngoái.

Các nhà chức trách ở Vũ Hán ban đầu cố gắng che đậy ổ dịch, trừng phạt các bác sĩ đã gióng lên hồi chuông báo động trực tuyến vào tháng 12 về virus mới này và đã có những câu hỏi về việc thống kê các ca nhiễm bệnh khi nước này liên tục thay đổi tiêu chí kiểm đếm vào lúc đỉnh điểm của đại dịch. Con số công bố mới nhất này cũng vậy. Sự thay đổi trong thống kê cũng đẩy số người chết trên khắp Trung Quốc tăng gần 39%, lên 4.632.

Tuy nhiên, con số chính thức ở đất nước 1,4 tỷ dân này vẫn thấp hơn nhiều so với số người thiệt mạng ở các nước nhỏ hơn nhiều như Italia và Tây Ban Nha. Trung Quốc phải chịu áp lực ngày càng lớn đối với đại dịch này từ các cường quốc phương Tây, với việc Washington đặt ra nghi ngờ về tính minh bạch của Bắc Kinh và điều tra xem loại virus này có thực sự bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không. Trong tuyên bố mới nhất ngày 17-4, ngoại trưởng Dominic Raab cho biết, Anh và các đồng minh sẽ yêu cầu Trung Quốc phải trả lời những câu hỏi hóc búa về sự xuất hiện của SARS-CoV-2 đồng thời dự báo “chúng ta không thể có các hoạt động kinh doanh như bình thường sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh này”. Tại cuộc họp báo ở phố Downing, khi được hỏi về các quan hệ trong tương lai với Trung Quốc, Ngoại trưởng Raab nêu rõ: “Chúng tôi sẽ phải hỏi những câu hỏi hóc búa về việc dịch bệnh xảy ra như thế nào và làm sao mà virus (SARS-CoV-2) không thể được dập tắt trước đó”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo phương Tây mới nhất “gia nhập” nhóm chỉ trích Trung Quốc. Ông Macron cho rằng, Trung Quốc thiếu minh bạch trong công bố thông tin về virus gây nên đại dịch Covid-19. “Sẽ “ngây thơ” khi nghĩ rằng Trung Quốc đã xử lý tốt đại dịch. Rõ ràng có những điều đã xảy ra nhưng chúng ta không biết. Tất cả đều phụ thuộc vào Trung Quốc có nói hay không”, ông Macron nói với tờ Financial Times.

Trung Quốc phản pháo

Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn cho rằng, loại virus này xuất hiện từ một khu chợ hải sản và động vật hoang dã Vũ Hán. Bắc Kinh cũng bác bỏ mọi cáo buộc của các nước phương Tây.

Giới chức Vũ Hán viện dẫn một số lý do cho việc thống kê bị sai, bao gồm cả việc nhân viên y tế bị choáng ngợp trong những ngày đầu khi các ca nhiễm gia tăng chóng mặt, dẫn đến “báo cáo muộn, thiếu sót hoặc báo cáo sai”. Họ cũng trích dẫn các cơ sở thử nghiệm và điều trị không đầy đủ, và cho biết một số bệnh nhân đã chết tại nhà và do đó không được báo cáo đúng. Các cơ quan y tế ở tỉnh Hồ Bắc, trong đó Vũ Hán là thủ phủ, trước đây đã lật lại số liệu của họ. Các quan chức đột ngột bổ sung gần 15.000 trường hợp vào số liệu thống kê vào giữa tháng 2 sau khi bắt đầu kiểm đếm những bệnh nhân được chẩn đoán thông qua hình ảnh phổi, ngoài những người trải qua các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Các nhà chức trách thay đổi phương pháp một lần nữa vào cuối tháng 2 khi họ ngừng kiểm đếm các trường hợp nghi ngờ chỉ thông qua hình ảnh phổi. Gần đây, Trung Quốc bắt đầu đếm các ca không có triệu chứng sau mối lo ngại của người dân về những ca mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Theo CCTV, số liệu mới được công bố không chỉ liên quan đến sức khỏe và cuộc sống của người dân mà còn thể hiện uy tín của chính phủ. Việc sửa đổi số liệu không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn thể hiện sự tôn trọng của chính phủ đối với mỗi cá nhân. Hầu hết các bình luận trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc đã ca ngợi chính phủ vì đã thể hiện sự minh bạch khi công bố con số mới nhất trong ngày 17-4.

KHẢ ANH

Số ca tử vong tại Mỹ vượt 32.000 người

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 16-4, tổng số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên thành 32.917.

Cụ thể, số ca tử vong tính đến 8 giờ 30 phút tối 16-4 (giờ Mỹ) tức 7 giờ 30 phút sáng 17-4 (giờ Việt Nam) tăng thêm 4.491 người trong vòng 24 giờ qua - mức tăng cao nhất tính trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch đến nay. Mỹ hiện là quốc gia có số bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19 cao nhất trên thế giới, tiếp đến là Italia với 22.170 ca tử vong. Mỹ cũng ghi nhận hơn 667.800 trường hợp mắc Covid-19 trên toàn quốc.

T.NGUYÊN

------

Philippines, Nhật sắp thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan để điều trị Covid-19

Philippines và Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan trước cuối tháng 4 này, với hy vọng việc loại thuốc điều trị cúm này có thể áp dụng trong điều trị Covid-19.

Theo Kyodo, từ đêm 16-4, Bộ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết, công tác chuẩn bị hoàn tất để bắt đầu thử nghiệm trên người ngay khi có thể. Lưu ý rằng các cuộc thảo luận về quy mô và thời gian thử nghiệm vẫn chưa kết thúc, bà Vergeire nói: “Chúng tôi đang xúc tiến quá trình này, vì thế chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu trước cuối tháng này”. Philippines cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Avigan trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo các nước Đông Nam Á cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

T.LINH