Phương trình nhiều ẩn số

Thứ hai, 23/12/2013 12:03

(Cadn.com.vn) - Năm 2014, đầu tư vào đâu để sinh lợi là câu hỏi khó đối với nhiều người trong bối cảnh kinh tế chưa thật sự khởi sắc.

Bất động sản?

Tại sao năm 2013, bất động sản (BĐS) vẫn chưa “nhúc nhích” hoặc có những dấu hiệu chuyển mình như kỳ vọng của một số người? Có nhiều cách biện minh cho hiện tượng này theo kiểu “đổ lỗi” cho những nguyên nhân như ngân hàng, cơ chế hoặc các chính sách có liên quan đến cung-cầu của thị trường.

Tuy nhiên, một nhân tố quan trọng khác, thậm chí có tính quyết định đến thị trường BĐS là “túi tiền” của đại đa số người dân Việt Nam. Có phù hợp hay không khi ngay tại thời điểm này, 1 lô đất đường 7m5 tại KĐT gần trung tâm Đà Nẵng đang còn đứng ở ngưỡng 1 tỷ đồng/lô trong bối cảnh thu nhập của người lao động bình quân 3-5 triệu đồng/tháng?

Nhận định về xu thế sắp đến của thị trường, TS Alan Phan (Chủ tịch Quỹ đầu tư Vissa HongKong) cho biết, nhu cầu BĐS tại Việt Nam rất lớn, song phần lớn các sản phẩm hiện nay vẫn chưa phù hợp với “túi tiền” nên người dân chưa mua được.

Ông nhận định, trong tương lai, thị trường sẽ “sôi động” trở lại khi có sự thay đổi của 2 nhân tố: Nếu lạm phát cao, đồng tiền giảm giá, BĐS giảm tương ứng, giá cả địa ốc có thể phù hợp với túi tiền. Nếu lãi suất xuống thấp hơn nữa trong thời gian đến, người dân có thể vay (hoặc mua trả góp) để thỏa mãn nhu cầu nhà ở. Khi đó, thị trường chuyển động tích cực. Còn không, nó vẫn ì ạch như những năm vừa qua.

Năm 2014, với những chỉ tiêu cơ bản như lạm phát 6,5-7%, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 12-14%, lương tối thiểu tăng 25%, vốn FDI giải ngân đạt 10,5-11 tỷ USD sẽ dẫn dắt thị trường đi lên.

Tuy nhiên, “chướng ngại vật” của năm 2013 như tốc độ giải ngân “ì ạch” của “gói” 30.000 tỷ đồng, VAMC mới mua hơn 28 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ cơ cấu khoảng 316.800 tỷ đồng), tồn kho cao (23.007 căn hộ, 15.000 căn nhà thấp tầng, 10,6 triệu m2 nền đất nhà ở và 2 triệu m2 đất thương mại... với tổng giá trị ước 102 nghìn tỷ đồng) đang là thách thức lớn.

Những lập luận nêu trên cùng với dữ liệu kinh tế đã cho thấy thị trường BĐS năm 2014 vẫn chưa có trụ đỡ vững chắc để bật dậy. Như vậy, câu chuyện “nhảy” vào BĐS một lần nữa xem ra chưa thật sự hấp dẫn.

BĐS, chứng khoán được dự báo chưa thực sự khởi sắc thì gửi tiết kiệm vẫn là sự
lựa chọn an toàn, dù lãi suất huy động có giảm.

Đầu tư giá xuống đối với vàng?

Trong lịch sử, vàng thường được coi như một nơi cất giữ giá trị trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, có nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên, lý thuyết này giờ đây dường như không còn nữa. Nhiều người cho rằng, phản ứng của vàng trong giai đoạn khủng hoảng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đà tăng mạnh của vàng trong hơn 10 năm qua liên quan rất ít đến lạm phát.

Do vậy, thời gian gần đây, kim loại quý này liên tục thực hiện các bước điều chỉnh, thậm chí còn tồi tệ hơn khi giá tiếp tục “rơi tự do” khiến nhiều chuyên gia bi quan, giá vàng có thể giảm xuống ngưỡng 800USD/oz. Gần cuối năm, giá vàng giảm xuống dưới 1.200USD/oz ngay sau khi FED đưa ra quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD. Điều này cho thấy, giá vàng đang rất bấp bênh, có xu hướng giảm sâu trước biến động của kinh tế thế giới. Do vậy, những kỳ vọng về giá vàng quay lại thời kỳ “hoàng kim” trước đây sẽ  không còn nữa.

Trong nước, giá vàng SJC cuối tuần vừa qua dao động quanh 35 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 4,6 triệu đồng/lượng, khoảng 30 triệu đồng/lượng.

Ngay tại thời điểm này, nếu ai mua vào sẽ bị thiệt nhiều hơn nếu giá vàng trong và ngoài nước thông nhau theo nguyên lý thị trường. TS Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh - BDI) khẳng định, giá vàng được dự báo có xu hướng giảm dài hạn nên có thể đầu tư theo hướng giảm giá, tức là vay vàng bán lấy tiền chờ giá xuống mua vàng trả. Tuy có mạo hiểm nhưng đây cũng là cách “bỏ” vốn kiếm lời nhanh đối với các nhà đầu tư có “duyên” với thị trường vàng.

Nửa chơi chứng khoán, nửa dành tiết kiệm

Một cơ hội khác an toàn hơn là dùng 50% nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi gửi tiết kiệm, còn 50% “đổ” vào đầu tư chứng khoán. Đối với chứng khoán, năm 2014 sẽ có những đợt sóng dựa trên kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư cùng những động thái của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Các cổ phiếu có tín hiệu tích cực là thuộc ngành năng lượng, BĐS, tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống...

Nhận định về xu hướng đầu tư, TS Quách Mạnh Hào (chủ nghiệm Khoa tài chính NH, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG) khuyên nhà đầu tư, khi các nỗ lực tăng trưởng kinh tế được thực thi, thị trường chứng khoán có cơ hội tăng giá, thanh khoản cao hơn do tâm lý mặc dù nền kinh tế không thực sự tốt lên.

Cùng với cơ hội sinh lời của thị trường chứng khoán, gửi tiền vào NH đang là kênh chủ đạo, truyền thống của đại bộ phận công chúng. Mặc dù lãi suất đã hạ xuống 7-8%/năm nhưng hình thức để dành qua kênh tiết kiệm vẫn an toàn và phù hợp với người dân. Với góc nhìn toàn cầu, ông Godfrey Swain (Giám đốc khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân và Quản lý Tài sản HSBC Việt Nam) khuyến cáo, mặc dù các kênh đầu tư như cổ phiếu, vàng, quỹ đầu tư, trái phiếu và những sản phẩm cấu trúc ngày càng trở nên phổ biến song gửi tiền NH vẫn là một hình thức tiết kiệm được quan tâm nhiều nhất tại nhiều quốc gia, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn.

Đầu tư vào đâu để sinh lợi trong bối cảnh kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn là một phương trình nhiều ẩn số.

Văn Khoa