Quả ngọt trên đất lành
(Cadn.com.vn) - Trong đột phá để tính toán cho những bước đi dài vì tương lai của Đà Nẵng, việc trải thảm đón người tài về làm việc và gửi những người trẻ thuộc diện “hạt giống” đi đào tạo tại các trường đại học được xếp hạng của thế giới được xem là tiên phong chính sách của cả nước. 18 năm thực hiện chính sách thu hút và 12 năm gửi đào tạo, giờ đây “quả ngọt” đã nảy nở trên đất lành.
Lãnh đạo thành phố trao quyết định bố trí công việc cho các học viên đào tạo theo Đề án 922. |
Dự án cho tương lai
Ngày chia tách, Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều khó khăn về công tác cán bộ. Nguồn lực tại chỗ vào thời điểm đó so với nhiều tỉnh thành trên cả nước vừa thiếu, vừa yếu lại phải chia lửa cùng Quảng Nam. Là giám đốc của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đầu tiên, và có lẽ cho đến nay cũng là duy nhất của cả nước, ông Nguyễn Văn Chiến nhớ nằm lòng những con số so sánh về số lượng và chất lượng cán bộ của Đà Nẵng hiện tại so với những ngày đầu trực thuộc Trung ương. Cuối năm 1997, cả thành phố có 10.606 cán bộ, công chức, viên chức với chỉ 2,78% trong số đó có trình độ sau đại học và 44,8% có trình độ đại học. Hiện con số đó tương ứng là 26.723 người với 48 tiến sĩ, 1.948 thạc sĩ và bác sĩ nội trú cùng 14.027 người có trình độ đại học. Trong số này, có một lượng lớn là cán bộ thuộc diện thu hút từ các địa phương khác bằng chế độ đãi ngộ đặc biệt và nhiều người trở về từ nước ngoài sau thời gian đi học bằng ngân sách mà trước đây vẫn gọi là Đề án 922.
Ví chính sách trải thảm đối với những người có năng lực và gửi học viên đi đào tạo ở nước ngoài của Đà Nẵng như một “dự án tương lai” cũng là xuất phát trên những con số tính toán của ngành Tài chính. Và dự án này cũng từng có những tranh luận, bàn cãi và cả lo ngại chẳng khác gì cầu Rồng cách đây mấy năm hay hầm chui ở thời điểm hiện tại. Còn nhớ, trong một cuộc họp về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài chính với nhiệm vụ cân đo đong đếm, thu chi đã có đôi chút phân vân về khả năng “sinh lời” so với số tiền cực lớn bỏ ra. Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh lúc đó chia sẻ với những lo lắng chính đáng nhưng đồng thời vững tin khẳng định: “Chắc chắn là hiệu quả. Không phải là bây giờ, nhưng đầu tư cho giáo dục, cho con người chắc chắn là hiệu quả”. Với hợp phần thu hút, thành phố đã bỏ ra 56 tỷ đồng để kêu gọi cán bộ có năng lực từ các địa phương khác với các chính sách ưu đãi vượt trội như chế độ đãi ngộ ban đầu, hỗ trợ ngoài lương hàng tháng và thậm chí là cả nhà ở để họ gạt bỏ những lo toan hàng ngày, tận tâm thể hiện năng lực và cống hiến. Với hợp phần đào tạo, tính đến nay Đà Nẵng đã chi 634 tỷ đồng ngân sách để cử 639 học viên mà chủ yếu là từ vườn ươm Lê Quý Đôn đi học tại các trường đại học lớn trong nước và có danh tiếng, được xếp hạng trên thế giới.
Cán bộ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao xúc tiến hợp tác về tạo nguồn |
Thời điểm vàng cho quả ngọt
Ông Võ Ngọc Đồng- Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng, khi đội ngũ người tài về với thành phố đang dần khẳng định được vai trò, năng lực của mình ở những vị trí quản lý, lãnh đạo thì lớp trẻ với kiến thức, kỹ năng, vốn sống ở nước ngoài trở về cũng sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao kế cận, đủ sức gánh vác nhiệm vụ quan trọng trong tương lại không xa. Bài toán mà Đà Nẵng đặt phép tính từ hai thập niên trước, cùng với lời khẳng định của ông Nguyễn Bá Thanh giờ đã cho đáp án. Trước đây, những cái tên như Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, Hồ Kỳ Minh, Nguyễn Thị Bích Hậu, Trần Đức Anh Sơn... về Đà Nẵng với tất cả sự tôn trọng, với tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” (cụm từ của nhà văn Nguyễn Tuân – P.V) của lãnh đạo thành phố. Bây giờ, trong số đó, đã có người giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND TP, người làm Phó Giám đốc Sở, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội. Những dấu ấn mà họ để lại, những đóng góp của họ cho Đà Nẵng hôm nay là không cần phải bàn cãi. Cái quan trọng để họ đến, ở lại, gắn bó và cống hiến cho Đà Nẵng chắc chắn không chỉ là những đãi ngộ vượt trội về mặt vật chất, mà cao hơn là “họ coi Đà Nẵng như quê, Đà Nẵng coi họ như người nhà”.
Trong 639 học viên được cử đi học theo Đề án 922 thì tới nay đã có 432 người tốt nghiệp, 361 người đã được bố trí việc làm và dần khẳng định được năng lực của mình. Trong số đó, đã có trên dưới 50 người được đề bạt đảm nhiệm vai trò quản lý như phó giám đốc sở, trưởng phó phòng. “Trước đây, cơ quan nào tiếp khách nước ngoài cũng phải nhờ cán bộ của Sở Ngoại vụ đi phiên dịch. Giờ sở nào cũng có người giỏi các ngoại ngữ phổ thông, có người nói vanh vách hai thứ tiếng. Toàn các em đi học ở nước ngoài về chứ đâu. Không chỉ giỏi chuyên môn mà khả năng giao tiếp, hiểu biết về văn hóa, tương tác với các chuyên gia nước ngoài của các em vượt trội. Chúng ta đang có một thế hệ cán bộ trẻ, năng động, là nguồn nhân lực chất lượng cao”- ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định. Trong khi đó, ông Võ Ngọc Đồng tự tin rằng, APEC 2017 với sự có mặt của khoảng 10.000 người, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên báo chí, 5.000 doanh nghiệp và các đại biểu không chính thức, vai trò của đội ngũ cán bộ đã từng được cử đi đào tạo ở nước ngoài là hết sức quan trọng. Với sự tự tin, năng động, có vốn ngoại ngữ và văn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới, chính họ sẽ là những đại sứ kết nối, góp phần đưa hình ảnh thành phố đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Khi nói về câu chuyện “quả ngọt”, một số người làm công tác đào tạo, tổ chức cán bộ cũng không ngại ngần nói đến một ít “trái đắng”, cạnh chuyện thu hút cũng có sự “chảy máu”. Chính Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số trường hợp bố trí công việc sau đào tạo không phù hợp, môi trường làm việc chưa khai phá hết năng lực, sở trường. Bên cạnh đó, chính sách còn vênh nhau giữa “chiêu hiền” và “đãi sĩ”, dẫn đến ít nhiều có so bì, không phát huy được sức mạnh tổng hợp của người tại chỗ và người đào tạo thu hút về, Còn nữa, có người vi phạm hợp đồng, phá bỏ cam kết vì nhiều lý do khác nhau. Nếu đã coi đó là dự án thì chắc chắn phải có rủi ro! Đó là câu chuyện bình thường, không có gì bàn cãi đến mức lùm xùm. May mắn của Đà Nẵng là thị trường lao động chưa thực sự hoàn hảo nên sự dịch chuyển không lớn. Thành phố đã kịp nhận ra để có những sự điều chỉnh thích hợp, đầu tư những lĩnh vực, công việc thực sự cần thiết, tránh lãng phí tiền bạc và nguồn lực con người. Trở lại câu chuyện “chim đậu, chim bay” trong kêu gọi, giữ chân người tài, ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng, những đãi ngộ tương xứng với cống hiến phải là điều đương nhiên, nhưng quan trọng nữa là phải làm sao để họ có môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp, phát huy hết đam mê của mình, coi họ là “hạt giống” thì phải vun xới. “Cách giữ chân tốt nhất là sử dụng phù hợp nhất. Đừng để họ nhàm chán mà ra đi. Khi thị trường lao động trở nên hoàn hảo thì sự dịch chuyển là điều tất yếu”- ông Chiến nói.
Vẫn còn nhớ, trong một cuộc họp đánh giá riêng về công tác đào tạo, thu hút nhân tài, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã nhấn mạnh rằng: “Xác định đột phá thì phải đầu tư theo kiểu đột phá, anh đầu tư như thế nào sẽ gặt hái được kết quả như thế đó”. 20 năm, Đà Nẵng đã thực hiện những chính sách vượt trội để có những thành tựu không chỉ cho hôm nay và cả một chặng đường dài. Gọi một cách hình tượng, đó chính là “quả ngọt trên đất lành”.
Công Khanh