Quan chức cấp cao Huawei bị bắt ở Canada, Trung Quốc nổi giận

Thứ sáu, 07/12/2018 09:40

Ngoài vai trò là giám đốc tài chính, bà Mạnh Vãn Chu còn là phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Huawei. Bà chính là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi và theo kế hoạch sẽ thay cha trở thành Chủ tịch Huawei sau khi ông nghỉ giữ chức vào cuối năm 2018. 

Hồ sơ của bà Mạnh Vãn Chu hiển thị trên màn hình máy tính tại một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6-12. Ảnh: AP

Bà Mạnh Vãn Chu sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên Hoa Trung năm 1992. Năm 1993, bà Mạnh Vãn Chu gia nhập Huawei, từng giữ các chức Tổng giám Vụ kế toán quốc tế, Giám đốc tài chính và kiêm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị của Huawei.

Cha bà Mạnh là ông Nhiệm Chính Phi 74 tuổi, là người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Huawei. Mẹ là bà Mạnh Quân - con gái Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên. Sau khi cưới bà Mạnh Quân, ông Nhiệm Chính Phi  được cha vợ nâng đỡ nhiều trong sự nghiệp. Bà còn có em trai tên Mạnh Bình, hiện cũng giữ chức trong Huawei. Nhưng vai trò của Mạnh Bình mờ nhạt hơn. Theo kế hoạch, bà Mạnh sẽ thay cha trở thành Chủ tịch Huawei từ ngày 1-1-2019 sau khi ông nghỉ hưu. Nhưng giờ đây, tương lai Huawei đang rất khó đoán định.

Mối quan hệ Mỹ-Trung lại chứng kiến bước thăng trầm mới khi bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị bắt tại Canada và phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ khi Huawei bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran và hỗ trợ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Theo tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Tư pháp Canada Ian McLeod đưa ra ngày 6-12, bà Mạnh, còn được gọi là Sabrina Meng hay Cathy Meng, đã bị bắt tại Vancouver vào ngày 1-12. Một phiên tòa bảo lãnh sẽ được tổ chức vào ngày 7-12. “Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại thành phố Vancouver vào ngày 1-12 và Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà. Một phiên điều trần để xem bà có được tại ngoại dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (7-12), AFP dẫn thông báo của Bộ Tư pháp Canada cho biết. Tuy nhiên, ông McLeod cho biết, Bộ Tư pháp Canada không thể công bố thêm chi tiết về vụ việc vì bà Mạnh đã được chấp thuận yêu cầu cấm công bố thông tin.

Vì sao bà Mạnh bị bắt?

Mỹ được cho là đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh vì Huawei bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran và hỗ trợ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Huawei là một trong những tập đoàn chế tạo thiết bị viễn thông và mạng internet lớn nhất thế giới. Mặc dù rất thành công, hãng này vẫn bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ do các quan chức an ninh nước này cáo buộc họ có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và hỗ trợ các hoạt động gián điệp. Trên thực tế, từ năm 2016, Huawei đã bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vì cho rằng Cty này đã vi phạm lệnh trừng  phạt Iran. Ủy ban thẩm tra mậu dịch và kinh tế Mỹ cũng nhắm tới tập đoàn công nghệ khồng lồ này.

Mỹ luôn cảnh báo các sản phẩm của Huawei gây lo ngại có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Washington vì vậy vẫn cố gắng thuyết phục các Cty công nghệ không dây và nhà cung cấp Internet tại các nước đồng minh của Washington tránh xa các thiết bị do Huawei sản xuất, viện dẫn các nguy cơ về an ninh mạng. Tờ WSJ dẫn nguồn thạo tin cho biết, một trong những mối lo ngại của Mỹ là việc sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc ở các nước có căn cứ quân sự Mỹ, chẳng hạn như Đức, Italia và Nhật. Theo nguồn tin này, Mỹ cũng đang cân nhắc hỗ trợ tài chính thêm cho việc phát triển viễn thông tại các quốc gia ngừng sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất.

Huawei lâu nay luôn bác bỏ các cáo buộc về nguy cơ an ninh cũng như mối liên kết với các cơ quan tình báo của nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đặt ra nguy cơ lớn với hãng này. Và giới phân tích cho rằng, nguyên nhân vụ bắt giữ lần này có thể do bà Mạnh từng là thành viên Hội đồng quản trị của Cty công nghệ Skycom Hồng Kông, vốn bị cáo buộc đã bán các thiết bị máy tính HP cho Cty Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

“Đòn mới” vào quan hệ Mỹ - Trung

Vụ bắt giữ nhân vật đình đám này, vốn là Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch của Huawei, khiến Bắc Kinh nổi giận.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada tuyên bố kiên quyết phản đối vụ bắt giữ đồng thời có những phản kháng nghiêm túc với Canada và Mỹ. Trong tuyên bố đăng tải trên trang mạng riêng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada yêu cầu thả bà Mạnh ngay lập tức. Từ Trung Quốc, Bộ ngoại giao nước này cũng hối thúc Canada và Mỹ làm rõ nguyên nhân vụ bắt giữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: “Chúng tôi đưa ra những phản đối chính thức với Canada và Mỹ, đề nghị cả hai bên ngay lập tức làm rõ những nguyên nhân bắt giữ, và ngay lập tức trả tự do người bị tạm giữ để bảo vệ những quyền pháp lý của người này”.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh Mỹ - Trung bắt đầu “đình chiến”, động thái tưởng như khiến quan hệ hai bên dần tốt đẹp trở lại, vụ bắt giữ bà Mạnh lại giáng đòn mới vào mối quan hệ giữa hai gã khổng lồ này. Tin tức này ngay lập tức gây rúng động thị trường kinh doanh, giới ngoại giao và truyền thông Trung Quốc và cả quốc tế. Giới phương tiện truyền thông ở Trung Quốc cũng quay cuồng theo thông tin này, đồng loạt đưa lại tin từ giới báo chí Canada và chỉ trích vụ bắt giữ. Các thị trường chứng khoán ở Châu Á, đặc biệt là Thượng Hải và Hồng Kông bị ảnh hưởng nặng nề.

Huawei không phải là Cty thiết bị viễn thông Trung Quốc đầu tiên phải “đối đầu” với chính quyền Mỹ. Đầu năm nay, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm các Cty bán phần mềm và linh kiện cho nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc ZTE trong 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Triều Tiên và Iran. Lệnh cấm gần như đã giết chết Cty công nghệ này khi ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau đó.

Một tháng sau, ZTE ký một thỏa thuận với Mỹ, theo đó chấp nhận nộp một khoản “tiền đặt cọc” 400 triệu USD trong trường hợp tái phạm các biện pháp trừng phạt trong tương lai. Theo thỏa thuận này, sau khi ZTE nộp tiền, Washington lập tức dỡ bỏ trừng phạt, mở đường cho tập đoàn này nối lại một số hoạt động chính.

KHẢ ANH