Quân đội Kenya “đi đêm” với Al-Shabab?

Thứ ba, 17/11/2015 10:11

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống khủng bố, tờ Foreign Policy đưa tin: quân đội Kenya “đi đêm” với nhóm cực đoan Al-Shabab, buôn lậu đường và than tại Kismayo (Somalia), kể từ khi nhóm khủng bố này bị đẩy ra khỏi thành phố cảng miền nam vào năm 2012.

Phát hiện nhờ báo chí

Thông tin này được Nhà báo vì Công lý (JOJ), tổ chức giám sát phi đảng phái tiết lộ, trong đó cáo buộc những nhân vật chóp bu của Lực lượng Quốc phòng Kenya (KDF) câu kết với Liên minh Châu Phi (AMISOM) tại Somalia thực hiện những phi vụ xuất khẩu bất hợp pháp, giá trị ước tính từ 200-400 triệu USD/năm.

Đây là nguồn tài chính quan trọng nuôi sống phiến quân Al-Shabab, khiến cuộc chiến chống khủng bố thêm cam go quyết liệt. Trớ trêu, chính AMISOM lại là tổ chức đảm nhận chức năng thực thi hòa bình đa quốc gia chống lại lực lượng khủng bố trong đó có Al-Shabab. Theo JOJ, đường dây buôn lậu rất phong phú, trong đó các chính khách chủ chốt trong Bộ Quốc phòng và Xuất nhập cảnh Kenya cũng tham gia, để “chống lưng cho các thế lực ngầm, nhất là các nhân vật cao cấp của chính phủ và Quốc hội”. Số tiền thu được chia ba, một bỏ túi KDF, một cho chính quyền địa phương mà Somalia gọi là Tổ chức Juba lâm thời, và một nuôi sống Al-Shabab. Tất cả các khoản thuế và nghĩa vụ liên quan đến các phi vụ giao dịch than và đường đều được tự ý áp dụng theo từng thời điểm khác nhau.

Cung đường buôn lậu này không những nuôi dưỡng Al-Shabab mà còn tiếp tay cho nạn tham nhũng của hải quan, lính biên phòng. Theo JOJ, đây là đường dây buôn bán bất hợp pháp cực kỳ rộng, trải từ trung ương đến địa phương với phương châm “tận thu tối đa”. Kenya hàng năm thất thu khoảng 50 triệu USD tiền thuế song mối lo lớn hơn là tính mạng con người bị Al-Shabab giết hại như những vụ tàn sát xảy ra gần đây.

Than được tập kết tại Burgabo, Kismayu (Somalia) dưới sự canh giữ của binh lính KDF.

KDF vẫn phớt lờ dù được cảnh báo

Đây không phải là lần đầu KDF đối mặt với cáo buộc dùng chiến tranh để trục lợi tại nước láng giềng Somalia.

Phân ban Giám sát của LHQ (UNG) phụ trách Somalia và Eritrea nhiều lần cảnh báo, quân đội Kenya vi phạm lệnh cấm xuất khẩu than do HĐBA LHQ quy định. Năm 2013, UNG ước tính thị trường than lậu, chủ yếu là than củi có thể lên đến 360-384 triệu USD, trong đó, trung bình mỗi bao than Al-Shabab bỏ túi khoảng 3USD. Để hạn chế nguồn tài chính cấp cho Al-Shabab, từ tháng 2-2012, LHQ ban hành lệnh cấm xuất khẩu than từ Somalia nhưng xem ra quy định này đã bị Kenya làm ngơ.

David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia và Burkina Faso cho biết. báo cáo của JOJ là chính xác, được LHQ kiểm chứng trong nhiều năm liền. Theo báo cáo, công bố hồi tuần trước, KDF không chỉ hợp tác với Al-Shabab buôn lậu than mà còn buôn lậu cả đường, giúp phiến quân thâm nhập sâu vào lãnh thổ Kenya, nhất là qua cảng Kismayo. Nguy hiểm hơn, nhờ tiền bôi trơn, Al-Shabab thâm nhập cả vào vùng lãnh thổ an toàn nhất của Kenya. Năm 2012, KDF đánh bật Al-Shabab ra khỏi Kismayo, nhưng sau đó tốc độ tấn công của KDF bắt đầu giảm dần. Theo báo cáo mới nhất của UNG, KDF xây dựng chế độ “đồn trú” có binh sĩ trực, còn “các lãnh đạo cấp cao lại tham gia các hoạt động kinh doanh với Jubaland (vùng tự trị miền nam Somalia) và Al-Shabab”.

Cả Washington, LHQ và Liên minh Châu Âu (EU) đều cảm thấy thất vọng với chính quyền Kenya, nhưng lại không muốn nói thẳng sợ ảnh hưởng đến hợp tác an ninh trên các lĩnh vực khác. Washington cần sự cho phép của Kenya để tiếp cận vào sào huyệt của Al-Shabab ở Kismayo, nơi đặc nhiệm Mỹ đang sử dụng máy bay không người lái để thăm dò cái gọi là “rốn khủng bố” ở vịnh Manda Bay của Kenya.

Kim Hùng

(Theo Foreignpolicy/Linkedin)