Quản lý người nghiện và người bán dâm: Giúp đỡ tốt hơn xử phạt

Thứ bảy, 12/12/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-12, tại Đà Nẵng, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức Hội thảo "Vai trò và hiệu quả của Đội công tác xã hội tình nguyện phường, xã". Những ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc tách người nghiện ma túy, mại dâm ra khỏi cộng đồng không phải là biện pháp tốt nhất.

Ông Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại hội thảo.

Trước thực trạng, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến nhiều gia đình và ngăn cản sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã triển khai Đội công tác xã hội tình nguyện rộng khắp trên cả nước. Những đội công tác này đã làm cầu nối để hỗ trợ người nhiễm HIV, sử dụng ma túy, người bán dâm, người bị mua bán trở về ổn định cuộc sống, tái hòa nhập. Đến cuối năm 2015, có 39 tỉnh, thành phố lập đội tình nguyện viên, đưa tổng số đội tình nguyện viên được thành lập gần 2.900 đội, với hơn 19.000 tình nguyện viên.

Với sự năng nổ và nhiệt tình trong công việc, các đội tình nguyện thường xuyên tổ chức tư vấn kiến thức liên quan đến phòng chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm thu hút hàng triệu lượt người tham dự.  Chỉ tính từ năm 2013 -2015 đã có hơn 300.000 cuộc tư vấn do đội tình nguyện viên thực hiện cho hơn 500.000 lượt người nghiện ma túy, người mại dâm, người nhiễm HIV. Nhờ vậy không ít trường hợp đã từ bỏ con đường cũ, làm lại cuộc đời. Tại Đà Nẵng, các đội tình nguyện thường xuyên tổ chức các hoạt động phòng tránh tái nghiện, tái phạm cho các đối tượng, giới thiệu việc làm cho gần 250 người sau cai ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các đội tình nguyện tham mưu cho UBND các xã, phường hỗ trợ, trợ cấp cho hơn 300 gia đình có người nghiện ma túy, hướng dẫn vay vốn tạo việc làm với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.

Để có được những con số đó là cả một quá trình lao động miệt mài của những đội công tác xã hội tình nguyện. Chị Dương Thị Mỹ Dung-Đội phó, Đội công tác xã hội tình nguyện P. 12 (Q. 4, TPHCM) chia sẻ: "Tiếp xúc với khách hàng, đặc biệt là người nghiện, người đã tập trung cai nghiện ở các Trung tâm được trả về địa phương hay người bán dâm rất khó khăn. Họ e dè, trốn tránh tiếp xúc vì vậy mình phải kiên trì tạo lòng tin, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ họ về y tế, việc làm hoặc vay vốn. Tôi cho rằng giúp đỡ người nghiện ma túy, người bán dâm tốt hơn là trừng phạt, như thế họ sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời".

Đội công tác xã hội tình nguyện thành phố Đà Nẵng tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng, vai trò của các đội công tác xã hội tình nguyện phường, xã là rất lớn, góp phần không nhỏ trong việc giữ vững TTATXH. Ông Lập nhìn nhận, hiện nay luật xử lý về cai nghiện ma túy còn nhiều nội dung không phù hợp với thực tế, khiến công việc của các đội công tác xã hội tình nguyện gặp nhiều khó khăn. "Một số tỉnh, thành phố xây dựng các trung tâm sau cai và bằng quyết định hành chính tiếp tục đưa người sau cai vào trung tâm như vậy là không đúng. Tôi dẫn ví dụ như vậy để thấy rằng có những mâu thuẫn về mặt pháp luật trong việc xử lý, quản lý người sau cai. Khi người ta hoàn lương thì nên đưa về sống ở những khu vực đông dân cư để hòa nhập cộng đồng, như vậy họ mới có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng nhiều trường hợp lại đưa vào trung tâm như vậy làm sao họ không phạm tội trở lại được. Để giúp những người nghiện ma túy, mại dâm, ngoài những biện pháp hành chính cần phải giúp họ thay đổi, đôi khi chỉ cần một lời nói cũng thay đổi số phận của người lầm lỡ", ông Lập nói.

Về tình trạng mại dâm, ông Lập cho biết hiện tất cả các địa phương trên cả nước đều có hoạt động mại dâm trá hình, bất hợp pháp, tuy nhiên nhiều địa phương không báo cáo hoặc báo cáo thiếu trung thực. Ông Lập cũng cho rằng, hiện nay tồn tại 3 luồng ý kiến về mại dâm: 33,3% cho rằng không nên có mại dâm; 33,3% lại cho rằng nên cứ để tồn tại như hiện nay và 33,3% cho rằng nên cho mại dâm hoạt động công khai nhưng phải đưa vào tập trung ở những khu vực nhất định. "Hoạt động mại dâm rất phức tạp và khó quản lý, đặc biệt là về quan điểm nhìn nhận về vấn đề này khi có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng ta cần phải nhìn nhận rõ bản chất của hoạt động mại dâm, có trường hợp bị ép buộc bán dâm nhưng cũng có những trường hợp cố tình đi bán dâm để kiếm tiền, như vậy việc xây dựng chính sách quản lý hoạt động mại dâm phải cụ thể, rõ ràng. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng Luật phòng chống mại dâm, theo quan điểm của tôi thì làm thế nào để quản lý tốt, đảm bảo quyền của con người là được. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu cứ mắc bệnh hình thức thì không bao giờ tiến triển"-ông Lập thẳng thắn.

Hoàng Anh