Quản lý và sử dụng đất đang bị buông lỏng

Thứ sáu, 28/08/2015 07:36

(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh 2004 – 2014 đã được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Nhà Quốc hội ngày 27-8.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát giải trình trước Đoàn giám sát.

Sao chưa giao đất cho dân?

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) chỉ ra một thực tế đáng suy nghĩ là trong số 13 triệu ha rừng hiện nay, diện tích rừng được giao trực tiếp cho các hộ gia đình chỉ chiếm 26%, cộng đồng quản lý 2%. UBND cấp xã không phải là đơn vị được giao quản lý đất rừng nhưng lại đang quản lý khoảng 2,1 triệu ha, trong khi nhiều hộ dân không có đất sản xuất. “Việc giao đất rừng như vậy theo luật đã đúng chưa? Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đến đâu? Giải pháp khắc phục tình trạng này?”, ĐB Đương đặt ra khá nhiều câu hỏi.

Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lý giải, diện tích 2,1 triệu ha đất nông nghiệp do UBND xã quản lý mà không giao cho dân đều là  những khu vực đất ở xa dân, không thuận tiện sản xuất hoặc là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. “Vì không giao được cho tổ chức nhà nước nào và cũng chưa giao cho dân nên UBND cấp xã tạm thời quản lý”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Tuy nhiên, ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) phản biện: “Báo cáo đồng chí Bộ trưởng, xã Ba Vì (Hà Nội) có 2.000 cử tri, 100% dân tộc ở đó là đồng bào dân tộc Dao. Tôi đi giám sát rất đau lòng khi biết đồng bào không có đất sản xuất phải sang tận Trung Quốc làm thuê, đối mặt với rất nhiều rủi ro mà trong câu trả lời của Bộ trưởng tôi vừa nêu cho thấy có đến 2,1 triệu ha đất nông – lâm nghiệp ở xa dân, đất sỏi đá nên dân không nhận sản xuất. Trong khi đó, tôi thấy đất ven vùng đệm của Rừng Quốc gia Ba Vì lại giao cho các cá nhân, tổ chức ở nơi khác đến để bảo vệ rừng chứ không giao cho đơn vị sở tại”.

Là thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH, ĐB Hà thẳng thắn cho rằng công tác quản lý đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh “đã bị buông lỏng nhiều năm nay và vẫn buông lỏng đến tận giờ phút này”.

Về thực tế này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cam kết sẽ thực hiện rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng. “Chỗ nào có khả năng cho dân sản xuất sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao cho dân và các tổ chức phù hợp quản lý sử dụng; đồng thời có cơ chế hữu hiệu hơn để xác định chủ quản lý cụ thể phần đất này”, Bộ trưởng Phát tiếp thu một cách cầu thị.

Cổ phần không hiệu quả

Việc chuyển đổi các lâm trường quốc doanh thành các Cty cổ phần không hiệu quả, thậm chí còn xảy ra mất rừng, mất đất nhiều hơn. Đây chính là một nhận xét không kém phần quan trọng khác mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc chuyển đổi các nông, lâm trường quốc doanh thành Cty cổ phần chỉ giống như biện pháp “hà hơi thổi ngạt”, không mang lại hiệu quả kinh tế không rõ nét, thậm chí còn làm phát sinh những hậu quả nặng nề khác.

“Chúng tôi đi giám sát về cứ buồn mãi cho đến tận bây giờ”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh ( Hòa Bình) chia sẻ về nhiều trường hợp như vậy. Ông cho biết, Cty nông nghiệp Mường La hiện nay không sống được, nợ nần chồng chất. Lâm trường Văn Chấn (Yên Bái) 10 năm nay không có giám đốc vì không được phê duyệt đề án tái cơ cấu. “Cán bộ, công nhân lâm trường đã mấy năm nay sống lay lắt bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và 3 tháng nay họ chả có đồng nào. Chúng tôi đến giám sát chả biết nói gì, pha ấm trà uống rồi về bởi có gì đâu mà nói”, ông Sinh xót xa.

Vẫn ĐB Nguyễn Tiến Sinh nêu rõ, tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước do buông lỏng quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa các nông, lâm trường quốc doanh là khá phổ biến. “Chúng tôi đến Cty Chè Mộc Châu (tỉnh Sơn La), hỏi ra Cty này đã chuyển đổi 100% thành Cty cổ phần, Nhà nước không giữ phần trăm cổ phần nào. Khi cổ phần hóa, ngân sách Nhà nước thu về khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Năm 2014, Cty này nộp khoảng 2,4 tỷ đồng vào ngân sách trong khi quản lý khoảng 4.800 ha đất”.

Về lo ngại thất thoát đất, tài sản của Nhà nước vào tay tư nhân như ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, khi chuyển đổi chỉ cổ phần hóa tài sản trên đất còn đất đai vẫn do Nhà nước quản lý. Ai sở hữu tài sản trên đất vẫn phải thuê đất. Người dân nhận khoán thì người mua cổ phần có quyền nhất định tùy theo cổ phần. “Còn đời sống công nhân có giảm hay không chắc phải tùy thuộc vào tình hình trường hợp, chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể. Theo báo cáo từ thí điểm thời gian qua thì tình hình khả quan hơn”, ông Cao Đức Phát nói.

Báo cáo giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết các nông, lâm trường sau khi được sắp xếp, chuyển đổi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, thu nhập, đời sống của người lao động được cải thiện góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy vậy, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng thừa nhận sau sắp xếp còn một số Cty nông, lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục lỗ.

Liên quan quản lý sử dụng đất, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc rà soát đất đai chưa được thực hiện trên thực địa; chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc, chưa hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Thực hiện giao, khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Tình trạng hộ nhận khoán đất của các Cty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán; tự ý xây dựng nhà kiên cố trên đất nhận khoán khá phổ biến đối với vùng đất ven đô thị...

T.T.X