Quán rổ bên đường
(Cadn.com.vn) - Những gì thuộc về tre trúc đã là chuyện xưa cũ. Ngược xuôi xe cộ, bỗng giật mình bắt gặp bên đường một mái chòi tôn, treo đầy rổ rá. Ấy là mái chòi bán rổ của ông Vũ Đình Mười (1955). Bên con đường xuyên qua làng dệt Thi Lai (xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) dẫn ra bờ sông Thu Bồn thưa vắng người.
Một mình ông cặm cụi vót từng cọng nan. “Chả phải nghề gia truyền chi, tự mày mò học thôi”, ông nói. Kể rằng, 6 năm trước bị tai biến, phải cưa một chân, ông đành bỏ nghề dệt, mày mò thêm nghề sửa xe đạp, không đủ sinh nhai, lại thêm nghề đan rổ. Mỗi cây tre có giá 15 nghìn đồng nếu ông tự đốn, chủ tre đốn giá sẽ mắc hơn, nên ông tự đốn tre. Lê lết chân cụt, gai chích lưu lại vô vàn vết sẹo. Rồi chẻ ra, vót thành từng cọng nan mỏng. Này là câu ca còn lưu lại: “Cha la thì kệ cha la, bắt hai bắt bốn cứ ba anh chận hoài”, ấy là cách thức đan nong mốt. Ông còn biết đan nong đôi. Tiếp đến là công đoạn đát viền, lận, đánh tuyến...
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Bảy (1956) phụ ông làm công đoạn nứt, tức buộc dây cước cho vành rổ. Vì nhà đun củi nên ông hun khói cho rổ được bền. Hun từ 10 đến 15 ngày. Từ đó cho ra cái rổ thành phẩm.
“Cửa hàng” rổ của ông Mười. |
Cái gì khiến ông nghĩ tới chuyện đan rổ để mưu sinh, ông bảo không biết. Lúc đầu, ông mua hai cái rổ về nhà, tháo rời một cái, nhìn vào cái kia mà đan lại. Bây giờ thành thục rồi, mái chòi rổ của ông có đủ kiểu, từ rổ đãi sạn, vê lúa, đến rổ đựng rau...,ông làm rổ theo yêu cầu.
“Mỗi cái rổ bán ra có giá trung bình 20 nghìn đồng, có khi mỗi tháng bán được một cái”, ông nói. Hỏi lợi nhuận như thế thì đan rổ mưu sinh làm gì, ông bảo “chứ với cái chân cụt như ri, tôi biết làm chi”.
Ông Mười vót nan. |
Chẳng phải người trong làng nghề, cũng chẳng phải là nghề gia truyền, cụt chân, ông Mười dùng đôi tay để mưu sinh. Ở vùng quê xứ Quảng, nhiều làng nghề đan rổ truyền từ mấy đời giờ đã lụi tàn, vắng bóng. Chỉ riêng ông Mười dựng một mái chòi bán rổ hẳn hoi. Nhìn quán rổ hun hút bên đường, giật mình, một chút gì sót lại của làng quê dân dã đang lên đời phố thị, bên sông Thu Bồn.
Mai Thành Dũng