Quản tại chỗ, ngăn từ xa
(Cadn.com.vn) - Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đối diện với không ít những khó khăn, thách thức. Từ vùng trũng thấp, hầu hết người dân sống bằng nghề nông, đời sống khó khăn, chỉ trong vòng 5 năm quy hoạch, giải tỏa, P. Hòa Xuân lột xác chuyển mình lên phố. Nhiều hộ gia đình lâu nay quanh quẩn với ruộng vườn, đời sống kinh tế khó khăn phút chốc trở thành triệu phú, có nhiều tiền từ đền bù đất đai, hoa màu, lô đất TĐC... xây nhà tầng, mua sắm vật dụng đắt tiền. Cũng từ đây, tình trạng trẻ em, người chưa thành niên đua đòi ăn chơi, vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật ngày một tăng cao, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT.
Đối thoại giữa chính quyền P.Hòa Xuân với trẻ em có nguy cơ VPPL. |
Thượng úy Hồ Đức Dũng, Tổ trưởng CSKV CAP Hòa Xuân cho biết, kể từ khi kinh tế gia đình khấm khá, có nhiều hộ gia đình bất lực trong việc dạy con. Có hộ con cái bỏ học, thường xuyên tụ tập cùng chúng bạn xấu bỏ nhà đi lang thang thang trộm cắp tài sản buộc gia đình phải mang đến trụ sở CAP Hòa Xuân nhờ mấy chú CA quản giúp. Tại đây, BCH CAP Hòa Xuân đã chủ động tiếp nhận, phân công cho các CSKV từng khu dân cư (KDC) thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ để các em tiến bộ.
Tuy nhiên, đó là giải pháp tạm thời, để từng bước ngăn chặn, giải quyết tận gốc thực trạng này, BCH CAP Hòa Xuân tham mưu cho UBND P. Hòa Xuân xây dựng mô hình “Quản tại chỗ, ngăn từ xa”. Theo đó, dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân P.Hòa Xuân đã tập trung thực hiện nhiệm vụ giáo dục, quản lý, giúp đỡ những trường hợp là gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật (VPPL) theo tinh thần của Chỉ thị 24/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng. Cụ thể, từ tháng 3-2014, UBND P. Hòa Xuân đã ban hành việc thành lập BCĐ, quy chế, kế hoạch thực hiện mô hình “Quản tại chỗ, ngăn từ xa”. Có 28 trường hợp là trẻ em thuộc diện vi phạm và có nguy cơ làm trái pháp luật đã được UBND P. Hòa Xuân xét duyệt, đưa vào diện quản lý tại 8 tổ công tác (TCT) ở cơ sở.
Theo quy chế, mỗi TCT gồm có tổ trưởng tổ BVDP (tổ trưởng), CSKV (tổ phó), các tổ trưởng TDP, Trưởng Ban công tác Mặt trận, các Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Bí thư Đoàn thanh niên khu vực làm ủy viên. Nhiệm vụ của các TCT là trực tiếp phối hợp gia đình, nhà trường quản lý, giáo dục, giúp đỡ và cảm hóa trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật và có nguy cơ làm trái pháp luật trên địa bàn mình phụ trách. Mỗi trường hợp quản lý được cấp 1 cuốn sổ liên lạc giữa TCT với nhà trường và gia đình, qua đó hàng tháng yêu cầu các em vi phạm tự viết kiểm điểm quá trình rèn luyện phấn đấu trong sinh hoạt, học tập. Gia đình, cán bộ trực tiếp quản lý và nhà trường cùng TCT nhận xét vào sổ hằng tháng. Và định kỳ 6 tháng 1 lần, BCĐ thông qua báo cáo của TCT nhận xét quá trình phấn đấu, xét đưa ra khỏi diện quản lý hoặc tiếp tục quản lý nếu chưa tiến bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân, sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình “Quản tại chỗ, ngăn từ xa”, hiệu quả mang lại là hết sức phấn khởi và đáng mừng. Trong số 28 em đưa vào diện quản lý có 19 em tiến bộ. Từ chỗ ham chơi, bỏ bê việc học đã có 9 em đi học trở lại và rèn luyện đạo đức tốt, 5 em tham gia học nghề, 5 em được gia đình xin ra khỏi diện quản lý vì thấy con mình có nhiều thay đổi tích cực. Trong số 9 trường hợp chưa tiến bộ thì chỉ có 2 em vi phạm trong thời gian quản lý, 7 trường hợp còn lại còn mới có biểu hiện vi phạm.
Trung úy Phạm Văn Hiếu (CSKV CAP Hòa Xuân), Tổ phó TCT số 3 chia sẻ, hiệu quả mô hình “Quản tại chỗ, ngăn từ xa” là rất thiết thực, đi vào thực tế đời sống xã hội, có tác động không nhỏ đến công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Trung úy Hiếu kể, năm 2014, tổ của anh được phân công giúp đỡ cho em Trần Đình C. (15 tuổi, trú tổ 14A, P.Hòa Xuân). C. là học sinh lớp 9, con trai một trong gia đình hưu trí, vì quá nuông chiều nên ham chơi, bỏ bê việc học, đua đòi theo chúng bạn xấu trộm cắp vặt. Đích thân Hiếu đến tận gia đình C. tìm hiểu và phối hợp cùng gia đình giáo dục C. trong thời gian đưa vào diện quản lý. Chỉ trong vòng 6 tháng được sự quan tâm, giúp đỡ, C. tiến bộ rõ rệt, đoạn tuyệt với chúng bạn xấu, chăm chỉ học tập. Sự tiến bộ của C. mang lại niềm vui cho gia đình đã được UBND P. Hòa Xuân biểu dương khen ngợi.
Việc triển khai mô hình “Quản tại chỗ, ngăn từ xa” bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực việc ngăn ngừa trẻ em VPPL. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương để góp phần cụ thể hóa Chỉ thị 24/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng.
Đinh Nga