Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị
Ngày 18-5, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư TƯ Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm. Cùng tham dự còn có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên TƯ Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành TƯ và địa phương.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Nhà Quốc hội đến hơn 63 tỉnh, thành phố, các cơ quan TƯ, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Tại điểm cầu Đà Nẵng có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh, Chủ tịch UBNDTP Lê Trung Chinh, Chủ tịch HĐNDTP Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch MTTQVNTP Lê Văn Trung cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tham dự. Tại điểm cầu Công an TP Đà Nẵng, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng- Phó Giám đốc phụ trách Công an TP chủ trì.
Trước giờ khai mạc, các đại biểu đã tham quan triển lãm chuyên đề "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân" với nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp tư nhân.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW và kế hoạch tổ chức thực hiện". Nghị quyết xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực này đạt 10-12%/năm, đóng góp 55-58% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 85% tổng số lao động xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 66-NQ/TW", nhấn mạnh yêu cầu đổi mới toàn diện công tác xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, công khai, minh bạch, khả thi, thống nhất để bảo đảm cơ sở pháp lý cho tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những điểm nghẽn do quy định pháp luật; năm 2027 hoàn thành hệ thống pháp luật phù hợp mô hình chính quyền ba cấp; năm 2028 nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật về đầu tư – kinh doanh, đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Việc ban hành và thực hiện hai Nghị quyết quan trọng trên là kết tinh tư duy đổi mới sâu sắc, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với hoàn thiện thể chế pháp luật. Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, khả thi, thống nhất là trụ cột để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trong khi đó, phát triển kinh tế tư nhân là động lực sống còn, góp phần củng cố nội lực quốc gia, tăng cường sức cạnh tranh và thích ứng hiệu quả với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo Tổng Bí thư, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phải xây dựng được hệ thống pháp luật chất lượng cao, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, được thực thi một cách nghiêm minh, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện đại. Đồng thời, phát triển kinh tế tư nhân cần gắn với tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và hướng dẫn cụ thể việc tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết 66 và 68 trong toàn Đảng, toàn dân; lưu ý các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cấp ủy đảng địa phương cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc đưa nội dung Nghị quyết đến gần với từng cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp, tạo thành phong trào hành động sâu rộng.
L.A.T