Quảng Nam khẳng định 4 dự án thủy điện ít ảnh hưởng đến rừng
(Cadn.com.vn) - Mới đây, Báo Công an TP Đà Nẵng có bài phản ánh về việc tỉnh Quảng Nam có tờ trình xin xây dựng thêm 4 thủy điện tại H. Nam Trà My. Mặc dù có nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc xây thêm thủy điện sẽ khiến môi trường đất rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương khẳng định 4 thủy điện này ít ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh kiên quyết nói không đối với những thủy điện chiếm dụng quá nhiều đất rừng, loại 2 dự án thủy điện không đáp ứng yêu cầu.
Một công trình thủy điện ở Quảng Nam. |
Loại các dự án ảnh hưởng lớn đến đất rừng
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 425,9MW, điện lượng trung bình năm dự kiến là 1.703,9 triệu kWh. Sau khi rà soát đối với 17 dự án thủy điện chưa triển khai đầu tư, các sở, ngành và địa phương thống nhất đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục triển khai đầu tư 15 dự án thủy điện ảnh hưởng ít hoặc không ảnh hưởng đến đất rừng và loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện Nước Xa và Ag Rồng do chiếm dụng đất các loại vượt quá quy định và ảnh hưởng lớn đến đất rừng. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đây là 4 dự án thủy điện ít ảnh hưởng đến rừng nhất nên mới để lại, các dự án ảnh hưởng rừng nhiều đã bị loại. Tuy nhiên việc ảnh hưởng chỉ mới được xem xét đến tài nguyên rừng ở các lưu vực, chứ chưa có hồ sơ tuyến đường dây đấu nối nên chưa xác định được toàn bộ mức độ ảnh hưởng.
Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết: “Trên thực tế H. Nam Trà My đề nghị bổ sung tới 7 dự án với tổng công suất 115,2MW, nhưng hiện nay chỉ xem xét bổ sung 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đây là những dự án cần thiết nhất khu vực H. Nam Trà My nhằm đảm bảo sớm hoàn thiện đường dây dùng chung 110kV vừa đấu nối các nhà máy thủy điện vừa bổ sung thêm 1 nguồn cấp điện cho H. Nam Trà My. Các dự án thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng ảnh hưởng không đáng kể đến đất rừng phòng hộ, chủ yếu là đất rừng sản xuất, không ảnh hưởng đến di dân, đất lúa, đất sản xuất của người dân và có định mức chiếm đất bình quân trên 1MW đảm bảo theo quy định”.
Cần lấy ý kiến người dân
Thông tin từ Sở Công Thương, việc đầu tư phát triển 4 thủy điện nhỏ ít tác động, ít ảnh hưởng đến môi trường hơn các các dạng năng lượng khác. Trong quá trình đầu tư xây dựng còn phù hợp với các chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo hiện nay; không tác động đến môi trường trong quá trình vận hành, tác động đáng kể trong việc giảm thiểu phát thải nhà kính. Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên tỉnh Quảng Nam khẳng định không đánh đổi rừng, môi trường để lấy dự án mà phải xem xét những dự án nào cần thiết, hiệu quả. Đối với 4 công trình thủy điện được đề xuất khiến dư luận lo ngại: Một là lo ngại về tính đa mục tiêu của dự án. Thứ 2 là tác động của các dự án này đối với rừng, đất sản xuất, tái định cư, đa dạng sinh học, trồng rừng thay thế... Tuy nhiên trên thực tế, thủy điện này không tích nước theo dạng hồ đập, chủ yếu nương theo con suối nên sức ảnh hưởng sẽ không lớn. Tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận kỹ”.
Ông Hồ Thanh Bá, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, cho biết trước đây đã từng có dự định làm thủy điện Sông Tranh 1 nhưng huyện đã từ chối. Ông Bá đề xuất nếu làm thủy điện dù nhỏ hay lớn vẫn cần phải lấy ý kiến của nhân dân, cân nhắc thiệt hơn. “Việc làm thủy điện dù ít dù nhiều cũng vẫn sẽ có tác động tiêu cực lên đất đai, nguồn nước. Vấn đề là chính quyền địa phương chọn giải pháp nào để vừa phát triển KTXH vừa an dân. Bên cạnh đó cuộc sống người dân vùng cao gắn liền với nương rẫy nên phải xem xét đến việc có ảnh hưởng đến sản xuất của người dân hay không”, ông Bá chia sẻ.
ĐỒNG DAO