Quảng Nam lên phương án điều trị khi xuất hiện 30.000 ca F0

Thứ sáu, 23/07/2021 14:29

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức cuộc họp với Tiểu ban Điều trị COVID-19 tỉnh về việc xử lý khi có tình huống 30.000 ca mắc COVID-19 cộng đồng.

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại cuộc họp.

Sáng nay (23-7), ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp với Tiểu ban Điều trị COVID-19 báo cáo tình hình điều trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thông qua phương án Đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 30.000 ca mắc COVID-19 cộng đồng.

Sau khi nghe TS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo kiêm Trưởng tiểu ban điều trị COVID-19 tỉnh báo cáo hoạt động điều trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 4 (từ ngày 19-4-2021) tỉnh Quảng Nam; phương án Đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 30.000 ca mắc COVID-19 cộng đồng; phương án thành lập bệnh viện dã chiến trong thời gian tới. Ý kiến thảo luận của các đại biểu là thành viên của Tiểu ban Điều trị COVID-19 cấp tỉnh; ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND thống nhất cao báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế.

Theo đó, ông Tân giao Sở Y tế chủ trì nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế tại Quảng Nam, nhận định diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, chủ động xây dựng phương án đáp ứng phù hợp với từng mức độ dịch bệnh, đảm bảo công tác điều trị các ca dương tính SARS-CoV-2 (gọi là F0) tăng cao. Trước mắt tính tới phương án điều trị lên tới 5.000 ca F0, đồng thời sẵn sàng phương án, có thể điệu trị thể nhẹ, không triệu chứng tại nhà khi số F0 tới 30.000 ca.

Về chuẩn bị các cơ điều trị COVID-19 thể nhẹ và vừa, khi Phòng khám Điện Nam, Điện Ngọc vượt quá khả năng, tiếp tục trưng dụng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch làm cơ sở điều trị COVID-19, chuyển bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tới Bệnh viện Đa khoa điều trị; trong trường hợp Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đạt mốc 300 bệnh, tiếp tục vận hành trưng dụng các bệnh để thành lập Bệnh viện Dã chiến (BVDC) theo thứ tự, như sau: Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Trường Y tế Quảng Nam, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi, Trung Tâm Y tế Tam Kỳ, Bệnh xá Công An tỉnh, Bệnh xá Quân đội.

Về điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch, khi số ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vượt quá năng lực, trưng dụng Bệnh viện Đa khoa khu vực thu dung điều trị các ca bệnh nặng. Tùy vào số lượng F0 trên địa bàn để tiến tới trưng dụng các phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế điều trị COVID-19, tiến tới phương án cuối cùng chăm sóc ca bệnh SARS-CoV-2 tại nhà…

TRẦN TÂN