Quảng Nam: Lựa chọn nào cho 1.200 học sinh đậu THCS?

Thứ sáu, 25/08/2017 09:22

Ngày 22-8, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã có phản hồi về việc phân luồng khiến hơn 1.200 học sinh dù đậu tốt nghiệp THCS nhưng vẫn không được tiếp tục học lớp 10 và thậm chí không biết tiếp tục theo học ở đâu.

Anh Lê Trí Thức lo âu khi chưa biết cho con học tiếp ở đâu.

Sốt vó tìm chỗ học cho con

Những tuần qua, gia đình anh Lưu Anh Tây (xã Đại Hòa, H. Đại Lộc) lo sốt vó khi nhận được tin con trai là Lưu Hoàng Trung không thể vào học Trường THPT Lương Thúc Kỳ. "Sau khi con tôi tốt nghiệp Trường THCS Mỹ Hòa thì nộp hồ sơ vào trường Lương Thúc Kỳ. Nghĩ chắc chắn con sẽ được vào học nên gia đình đã mua sắm sách vở, quần áo nhưng sau đó thì nhận được thông báo con tôi không đủ điền kiện để vào học trường cấp 3", anh Tây kể. Thông tin này khiến cho gia đình anh Tây lo lắng, bởi không thể tìm được một trường nào khác ở huyện để con mình tiếp tục theo học. "Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện không còn dạy, trường nghề ở địa phương cũng không có nên bây giờ chẳng biết cho con học đâu, phải chạy khắp nơi để hỏi nơi học cho con, chứ chẳng lẽ để con đi lao động", anh Tây trăn trở. Không riêng gì gia đình anh Tây, rất nhiều phụ huynh khác ở Đại Lộc cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi mà con họ đã đậu tốt nghiệp THCS nhưng lại không được tiếp tục học.

Năm học 2017-2018, Quảng Nam áp dụng hình thức xét tuyển và phân luồng học sinh. Theo Quyết định số 1809/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 23-5-2017 về phê duyệt Phương án tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm học 2017-2018, thì phương thức tuyển sinh năm nay sẽ tuyển 90% số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào học lớp 10. Điểm xét tuyển gồm điểm kết quả rèn luyện, học tập và điểm cộng thêm. Cách xét tuyển sẽ căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu. Theo như cách xét tuyển vào lớp 10 năm nay sẽ tuyển sinh 90% số học sinh tốt nghiệp THCS có điểm từ cao đến thấp, 10% sẽ bị loại. Vì vậy mà có nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh không thể tiếp tục theo học.

Cũng có con rơi vào tình cảnh tương tự, chị Trương Thị Vân (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, H. Nông Sơn) lo lắng: "Gia đình tôi rất lo lắng vì ở tuổi này mà nghỉ học rồi cháu không biết làm gì. Tôi có đến Trường THCS Quế Trung xin cho cháu học lại lớp 9 nhưng Ban giám hiệu nhà trường bảo cháu đã đỗ tốt nghiệp THCS nên không được học lại".  Còn anh Lê Trí Thức (xã Quế Trung), phụ huynh em Lê Quang Bảo cũng lo âu không kém khi con trai chưa biết học tiếp ở đâu. "Mong muốn của gia đình là cháu được tiếp tục theo học lên cấp 3. Nhưng giờ cho con về Tam Kỳ học thì xa quá, phải tá túc ở lại nên không yên tâm", anh Thức băn khoăn.

Ông Nguyễn Ngọc Triêm - Cán bộ phụ trách chuyên THCS, Phòng GD-ĐT H. Nông Sơn cho biết, trên địa bàn có 332 em học sinh lớp 9. Số lượng đỗ tốt nghiệp THCS là 328 em, tương đương số lượng học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 tại địa bàn huyện là 33 em. "Hiện nay tại Nông Sơn không có các cơ sở đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, không có lớp bổ túc văn hóa nên đối với các em học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 có thể đăng ký vào các trường đào tạo nghề và học văn hóa song song tại các địa phương khác", ông Triêm nói.

Nhiều lựa chọn cho học sinh

Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS của tỉnh năm nay là 20.861 em. Trong đó, số học sinh đăng ký vào học lớp 10 năm học 2017-2018 là 18.775 em. Sau khi xét tuyển, nếu lấy 90% thì sẽ có 1.285 học sinh (trong chỉ tiêu tuyển sinh) nhưng không được học THPT.

Ông Hà Thanh Quốc cho biết, việc phân luồng là theo chủ trương của Chỉ thị 10 -CT/TW và Nghị quyết 11 của tỉnh Quảng Nam. Theo đó, năm học 2017-2018 có 10% học sinh bị loại, những năm tiếp theo sẽ là 15%, 20%... "Năm nay tuyển sinh vào lớp 10 là 90% và theo phương án đề nghị UBND tỉnh thì sang năm là 85%... Theo tinh thần của Chỉ thị 10 thì hướng đến là 70% học sinh tiếp tục học lên, còn 30% có thể chuyển sang vừa học chữ vừa học nghề", ông Quốc giải thích.

Liên quan đến việc nhiều học sinh sẽ có nguy cơ dang dở việc học vì các địa phương không có trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên, ông Quốc cho rằng các em có nhiều lựa chọn khác nhau và Sở đã gửi thông báo đến các trường, các phòng giáo dục để hướng dẫn. "Các em có 4 lựa chọn. Một là có thể vừa liên hệ trường nghề Quảng Nam tại Tam Kỳ để vừa học chữ, vừa học nghề lại có chỗ ở đàng hoàng. Địa chỉ thứ hai là đến Liên minh hợp tác xã, ở đó có trường dạy nghề. Các em có thể ở nội trú tại đó, rất thuận lợi. Thậm chí ra trường còn được hướng dẫn, hỗ trợ việc làm. Thứ ba, các em có thể vào các trường tư thục. Ví dụ như ở huyện Nông Sơn, Quế Sơn thì vào trường Phạm Văn Đồng (Quế Sơn), trường Hà Huy Tập (Tam Kỳ), trường Quảng Đông (Hội An)… Thứ tư, các em muốn học bổ túc thì đăng ký với trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Trung tâm này sẽ có trách nhiệm bố trí lớp ở những địa điểm hợp lý để tổ chức dạy. Với những lựa chọn như vậy nên thông tin hơn 1.200 học sinh không biết đi đâu là không chính xác. Bây giờ xã hội thiếu những người thợ có tay nghề, nếu các em có ý chí học thì tôi tin rằng cơ hội tương lai của các em không hề thua kém", ông Quốc khẳng định.

HOÀNG ANH