Quảng Nam quyết không để doanh nghiệp "chết yểu"

Thứ hai, 06/05/2019 14:50

Những khó khăn về tình hình kinh tế - xã hội thời gian vừa qua đã đặt ra nhiều thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Rất nhiều DN vừa và nhỏ đã phải "chết yểu" trước qui luật đào thải của thị trường. Là địa phương đi đầu trong phong trào kinh doanh khởi nghiệp cũng như thu hút đầu tư lớn của miền Trung, tỉnh Quảng Nam cũng không tránh khỏi bài toán đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ DN trong giai đoạn có nhiều khó khăn như hiện nay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn trong buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 4-2019.

Doanh nghiệp khởi nghiệp "chông chênh"

Theo thống kê mới nhất, trong những tháng đầu năm 2019, tại Quảng Nam có 192 DN đăng ký thành lập mới nhưng có đến 266 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động. Trước đó, thống kê của Sở kế hoạch đầu tư cho thấy trong năm 2018, toàn tỉnh có 2.623 DN giải thể và thu hồi giấy phép đăng ký, tăng 5 lần so năm 2017, ngoài ra còn có 345 DN ngừng hoạt động, tăng 30% so với năm trước.Theo nhận định, số liệu doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp "trẻ" và vẫn đang không ngừng gia tăng.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là vì các DN chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Cụ thể, phần lớn DN quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại.  Trong buổi làm việc mới đây nhất giữa cộng đồng DN khởi nghiệp Quảng Nam và lãnh đạo tỉnh có ý kiến cho rằng nguồn vốn không đảm bảo là nguyên nhân khiến nhiều DN khởi nghiệp "chết yểu". Anh V (là CEO của một DN nông nghiệp từng đạt giải khởi nghiệp cấp tỉnh) cho biết hiện anh và các cộng sự đang rất lúng túng trong việc duy trì DN của mình. "Đi kèm với sự phát triển của phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà là sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi. Để có thể quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường thì việc thành lập DN là điều đầu tiên phải làm. Là những người trẻ tôi có đam mê, nhiệt huyết với công việc nhưng thực sự để duy trì và phát triển nông nghiệp đúng hướng khởi nghiệp là rất khó khăn. Hiện nay, ngoài làm CEO cho dự án tôi còn phải duy trì công việc khác bên ngoài và phải chia sẻ số tiền lương ít ỏi từ công việc này để bù đắp vào những thiếu thốn của DN. Trong khi đó, những nguồn vốn, quỹ khởi nghiệp thì lại rất eo hẹp, khó tiếp cận", anh V cho biết.

Những khó khăn mà anh V nêu ra cũng được thể hiện ở khá nhiều cuộc tiếp xúc DN định kỳ của UBND tỉnh. Không ít DN tìm đến chính quyền nêu kiến nghị họ gặp rất nhiều bất lợi khi không thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư, thông tin thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ và các chế độ chính sách hỗ trợ. Sau cuộc gặp mới nhất, cộng đồng các DN đã gửi đến UBND tỉnh 21 kiến nghị và 14 ý kiến. Hầu hết các ý kiến đều tập trung đến cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN phát triển của tỉnh, về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như các khó khăn, vướng mắc của DN cần được các cấp chính quyền, ngành chức năng đồng hành tháo gỡ.

Lắng nghe doanh nghiệp

Có lẽ, Quảng Nam là một trong số ít những địa phương luôn nỗ lực duy trì việc đối thoại, gặp gỡ với cộng đồng DN thường xuyên nhất trong đó có việc duy trì gặp mặt DN vào ngày 5 hằng tháng kể từ năm 2014. Từ cuộc gặp đầu tiên vào ngày 6-10-2014 do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) chủ trì, đến nay đã ghi nhận khá nhiều vướng mắc của doanh nghiệp. Cũng từ những buổi gặp mặt này mà nhiều khúc mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được tháo gỡ kịp thời. Đơn cử như tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 4 vừa qua, một số khó khăn, vướng mắc của Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Nhất Tâm Trí trong quá trình tiếp nhận dự án Trường mẫu giáo tư thục Đức Trí II (tại TP Tam Kỳ) từ Công ty TNHH Tân Hiệp Toàn đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo giải quyết kịp thời, giúp doanh nghiệp ổn định đầu tư, kinh doanh.

Ông Trần Văn Tân - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết DN hiện nay có nhiều kênh tương tác với chính quyền, cơ quan quản lý như thông qua cổng thông tin điện tử nhưng những cuộc đối thoại hằng tháng chính là kênh hữu ích để doanh nghiệp có thể bày tỏ hết những khó khăn của mình. Chính sáng kiến này đã góp phần đưa chỉ số PCI Quảng Nam liên tục thăng hạng, tăng điểm số nhiều năm qua, lọt vào top những tỉnh, thành có chỉ số cao nhất nước. Theo đó, công bố của VCCI cho thấy PCI 2018 Quảng Nam đạt đến 65,85 điểm. Số điểm này đã giúp Quảng Nam giữ vị thứ 7, nhưng tăng điểm (0,44), năm thứ 4 liên tiếp lọt vào top 10 tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất và đứng vị thứ 2 vùng duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng).

Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, Ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) để từ đó có cơ sở đánh giá và nhìn nhận lại những nhiệm vụ thiết thực nhằm  hỗ trợ DN ngày càng phát triển.

Đồng Dao