Quảng Nam vẫn xây dựng 4 thủy điện ở Nam Trà My

Thứ năm, 20/07/2017 17:04

Sau 3 ngày làm việc, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 9, đã kết thúc vào ngày 19-7. Trong kỳ họp này các đại biểu đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, đáng chú ý là việc bổ sung 4 thủy điện vừa và nhỏ ở H. Nam Trà My.

Một khu vực ở H. Nam Trà My dự kiến sẽ xây dựng thủy điện.

Trong kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua 14 nghị quyết nhằm đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và cân đối ngân sách của địa phương. Đáng chú ý là các đại biểu đã thống nhất việc bổ sung xây dựng 4 thủy điện vừa và nhỏ ở H. Nam Trà My, vấn đề gây nhiều dư luận trái chiều thời gian qua. Theo thông báo của HĐND tỉnh, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình đề nghị thủy điện vừa và nhỏ 4 thì có ý kiến e ngại về những tác động bất lợi của các dự án này đối với cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trước tình hình đó Đoàn kiểm tra giám sát của HĐND đã kiểm tra thực tế tại 4 thủy điện được đề xuất bổ sung quy hoạch.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam, 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn H. Nam Trà My, gồm thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và thủy điện Trà Leng. 4 dự án thủy điện trên có tổng công suất 78,8MW, tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án là 144, 27ha (bình quân 1,83ha/1MW). Trong đó chiếm đất lâm nghiệp là 60,1ha (2,44ha đất quy hoạch rừng phòng hộ và 57,66 ha đất quy hoạch rừng sản xuất). Tổng vốn 4 thủy điện vừa và nhỏ tại H. Nam Trà My dự kiến được đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, suất vốn đầu tư bình quân 1MW khoảng 30 tỷ đồng, sẽ bổ sung đáng kể nguồn thu cho ngân sách (khoảng 0,8 tỷ đồng/1MW/năm), đóng góp không nhỏ cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của H. Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Theo giải thích của UBND tỉnh Quảng Nam, việc cấp điện cho H. Nam Trà My hiện chỉ có duy nhất một đường dây vận hành ở hai cấp điện áp là 35kV và 22kV từ thành phố Tam Kỳ lên, đường điện đi dài, qua nhiều khu vực đồi núi nên tiêu tốn điện năng rất lớn qua từng năm. Đặc biệt nguồn điện không ổn định vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra sự cố về lưới điện khi có giông sét nên mất điện liên tục, nhất là vào mùa mưa lũ. Với thực tế hiện nay, chỉ có 30% người dân được tiếp cận với điện lưới quốc gia nên rất khó có thể phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Qua kiểm tra, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án là 144,27ha nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến đất rừng phòng hộ, chủ yếu là đất quy hoạch rừng sản xuất chứ không phải là rừng nguyên sinh, không ảnh hưởng đến đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân; không có bất kỳ hộ dân nào phải di dời là điều kiện vô cùng thuận lợi đáp ứng ưu tiên hàng đầu của địa phương là phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc giữ rừng, đảm bảo an sinh cho nhân dân. Các thủy điện này là đập tràn tự do, hồ chứa điều tiết ngày, dung tích hồ chứa nhỏ (không quá 1 triệu m3) nên ít tác động đến môi trường, không có khả năng tác động gây động đất kích thích như các thủy điện lớn, đồng thời toàn bộ các thủy điện này đều thuộc lưu vực thủy điện Sông Tranh 2, nguồn nước sau các nhà máy sẽ đổ vào sông Tranh rồi đổ về hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) nên sẽ không tác động đến vấn đề lũ, lụt vào mùa lũ và nhu cầu sử dụng nước vào mùa cạn ở hạ du. Theo HĐND tỉnh Quảng Nam, từ những phân tích, đánh giá thực tế thì lợi ích mà 4 thủy điện vừa và nhỏ này mang lại cho huyện miền núi Nam Trà My là nhiều hơn các ảnh hưởng, tác động tiêu cực. HĐND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ giám sát việc thiết kế và đầu tư xây dựng các công trình thủy điện này trên nguyên tắc vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ được môi trường rừng và an sinh cuộc sống cho nhân dân trong khu vực.

Dù mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn lo ngại tác động của 4 dự án thủy điện ở H. Nam Trà My. Trong phiên thảo luận vào ngày 18-7, bà Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho rằng việc xây dựng thêm thủy điện chỉ mới tính đến cái lợi trước mắt, về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, mất đất sản xuất, mất rừng tự nhiên. Bà Thủy cũng lo ngại diện tích đất rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của người đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng. Còn ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My thì khẳng định việc xây dựng thêm 4 thủy điện trên địa bàn huyện là cần thiết và không ảnh hưởng đến môi trường và người dân. “Những thiệt hại để xây dựng các thủy điện này quá nhỏ, trong khi mặt lợi lại lớn. Tất nhiên việc gì cũng có hai mặt của nó, vì vậy chúng ta phải dũng cảm lựa chọn, nên xây dựng các thủy điện này để giúp phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bửu nói.

H. ANH

Các đại biểu HĐND tỉnh QN biểu quyết thống nhất bổ sung xây dựng 4 thủy điện
ở H. Nam Trà My.

Trong ngày 19-7, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 9 đã bầu các chức danh HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó HĐND tỉnh đã bầu bà Trần Thị Bích Thu, Phó trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh khóa 9 (nhiệm kỳ 2016-2021) giữ chức vụ Trưởng ban thay ông Nguyễn Dương Triều (đã mất) với tỷ lệ phiếu bầu 100%. Ông Nguyễn Văn Diệu, Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, ủy viên ban Văn hóa xã hội giữ chức vụ phó ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh khóa 9 (nhiệm kỳ 2016-2021). Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã bầu chức danh ủy viên UBND tỉnh đối với ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam thay ông Nguyễn Văn Nhân - nguyên Giám đốc Sở, nghỉ hưu theo quy định. 

H.A