Quê nhà rơi nước mắt đợi con về

Thứ hai, 25/03/2019 10:02

Khoảng 11 giờ 30, ngày 23-3 tại khu vực Ban May, huyện Tha Muang, tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan), một chiếc xe 16 chỗ chở 14 lao động nước ngoài bị một xe tải khác đâm phải. Vụ va chạm khiến cả hai xe mất lái lao xuống con kênh lớn, khiến 9 lao động trên xe khách tử vong, trong đó có 5 lao động người Việt Nam. Trong 5 lao động Việt Nam tử nạn, có 2 người quê Hà Tĩnh là chị Lê Thị Thu (1990, trú xã Xuân Lộc, H.Can Lộc) và anh Trần Văn Nhật (1985, trú xã Thuận Lộc, TX Hồng Lĩnh)...

Bà Bích (mẹ Nhật) ôm cháu nội đau đớn khi mất đi đứa con trai. 

Sáng 24- 3, con đường bê tông dẫn vào thôn Chùa, xã Thuận Lộc trơn trượt bởi cơn mưa rả rích từ mấy ngày trước. Tại nhà anh Trần Văn Nhật, nhiều người chứng kiến  cảnh mẹ, vợ con, người thân đang đau đớn trước thảm nạn. Nước mắt lăn dài trên má, bà Nguyễn Thị Bích (mẹ anh Nhật) ngồi thẫn thờ, không tin rằng con trai mình đã vĩnh viễn không về. Bà cho biết, gia đình đã cử người con gái đầu sang Thái Lan làm thủ tục nhận thi thể em trai đưa về quê mai táng. Nhật là con thứ trong gia đình 5 anh chị em. Cách đây 6 năm, Nhật lập gia đình với chị Tô Thị Hợi (1986), có con gái 6 tuổi và con trai 3 tuổi. Cuộc sống khó khăn, mẹ già đau yếu, để có tiền lo cho gia đình, Nhật rời quê hương sang Thái Lan làm thuê theo diện "lao động chui".

"Với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, anh đều đặn gửi về cho gia đình. Hàng ngày, anh đều gọi điện về động viên vợ cố gắng giữ gìn sức khỏe, không nên lo nghĩ nhiều về chuyện kinh tế. Anh bảo sẽ cố gắng làm việc để lo cho gia đình"- chị Tô Thị Hợi nấc nghẹn khi kể về chồng. Chị Hợi nói dù đi "lao động chui" nhưng năm nào anh Nhật cũng về quê 2 lần vào dịp giỗ bố và tết. Chị Trần Thị Hiếu (chị gái Nhật) cho biết, em trai sang Thái Lan làm việc theo diện "chui", hộ chiếu thuộc diện du lịch có thời hạn một tháng. Hết hạn phải xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại làm việc. Theo chị Hiếu, ở Thái Lan có dịch vụ "tò hộ chiếu" cho người nước ngoài. Nếu ai có nhu cầu sẽ đăng ký với họ rồi có xe chở lên cửa khẩu gần nhất để đóng dấu xuất, nhập cảnh theo giá thỏa thuận, mỗi lần khoảng 1,5 triệu đồng tiền Việt Nam. Ngày 23- 3, Nhật cùng 13 lao động khác đang được đưa tới cửa khẩu Phunamron, biên giới Myanmar để đóng dấu nhập cảnh, trên đường trở về thì gặp tai nạn. "Đọc trên mạng thấy thông tin lao động người Việt gặp nạn, tôi chột dạ nghĩ tới em mình. Gọi điện sang hỏi bạn bè bên đó, nhờ họ chụp hình gửi về, cả nhà bàng hoàng khi nhận ra thi thể Nhật", chị Hiếu cho hay.

Chị Tô Thị Hợi (vợ anh Nhật) khóc ngất khi hay tin chồng tử nạn.

Cách nhà anh Nhật khoảng hơn 10 km, người dân thôn Dư Nại, xã Xuân Lộc cũng bàng hoàng, đau xót trước thảm nạn ở xứ người, cướp đi mạng sống của chị Nguyễn Thị Thu (1990) và đứa con đang thành hình  trong bụng mẹ. Mặc trời lạnh, mưa phùn, bà con xóm làng tất bật chuẩn bị dựng rạp lo hậu sự cho chị Thu. Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, ngồi thẫn thờ bên bàn thờ lập vội cho con, ôm đứa cháu nội non nớt sớm mất mẹ, bà Nguyễn Thị Tam (mẹ chồng chị Thu) kể: Thu và con trai bà là Lê Công Biên cưới nhau 5 năm nay, có một con gái 5 tuổi. Cuộc sống ở quê vất vả mà vẫn thiếu thốn, anh Biên thường sang Thái Lan làm lao động thời vụ (lao động "chui").

Tháng trước, dù đang mang thai nhưng Thu gửi con gái cho bà nội chăm sóc, khăn gói sang Thái Lan cùng chồng lao động mong kiếm ít tiền về xây lại căn nhà sắp sập. Thế nhưng, ước muốn có được tổ ấm tươm tất cho cả gia đình đã bị vùi sâu dưới dòng kênh lạnh ở đất khách quê người. Chị Thu đã mãi mãi ra đi khi dự định còn dang dở. "Dù đang mang thai nhưng Thu vẫn xin sang Thái Lan cùng chồng làm ăn. Tôi dặn nó bầu bì nên giữ gìn, sang bên đó đừng làm việc quá sức. Cũng bởi muốn xây lại căn nhà, trả nợ ngân hàng chúng nó cày ngày cày đêm để mong có cuộc sống tốt hơn"- bà Tam nói. Trên đường về trên chuyến xe đi "tò hộ chiếu" để được lưu trú thêm 1 tháng ấy, Thu còn gọi điện nói chuyện với mẹ chồng và con gái. Nào ngờ, đây là cuộc gọi cuối cùng của chị khi tai nạn bất ngờ xảy ra.

Ngôi nhà cấp 4 xập xệ của vợ chồng Thu.

Ông Trần Đình Hải- Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết, gia cảnh chị Thu rất khó khăn. Hiện chính quyền địa phương cũng đang cùng gia đình chuẩn bị các thủ tục để đón thi thể chị Thu về mai táng. Xã Xuân Lộc hiện có khoảng 700- 800 lao động sang làm việc thời vụ tại Thái Lan. Hộ chiếu là đi du lịch 1 tháng, song để lách luật, tiếp tục ở lại làm việc, các lao động tìm đến các "mối" tại nước sở tại để nhờ "tò hộ chiếu". Theo đó, các lao động chui sẽ được đưa tới các cửa khẩu gần nhất để đóng dấu xuất, nhập cảnh. "Làm việc chui, người lao động không có quyền lợi được bảo vệ, lại nguy cơ gặp rủi ro cao, phải tự chịu nếu tai nạn lao động xảy ra"- ông Hải nói.

X.S