Quê xưa tháng Chạp xuân về
Cuối đông, bãi ven sông vàng màu hoa cải. Xoan đầu làng hoa rụng tím đường quê. Bưởi trong vườn hé khoe hoa trắng. Đào ngập ngừng e ấp đợi xòe hoa. Gió vẫn rét nhưng không giá buốt. Mưa bụi giăng nhẹ tựa sương bay. Cùng với sắc hoa, cây cỏ, gió nhẹ, mưa bay, những thanh âm không tháng nào có được của làng quê xưa ấy cũng như đang lao xao hối hả gọi Xuân về.
Cánh đồng hoa cải. Ảnh minh họa (Internet) |
Sáng tháng Chạp rộn tiếng người í ới gọi nhau ra đồng sớm để cấy cho rồi mấy hàng mạ chót vụ đông xuân, bới cho hết vồng khoai trước Tết, lên cho xong luống đất trồng cà... Tuy tất bật vội vàng nhưng ai cũng tươi vui rôm rả bàn tán về giá cả các mặt hàng của từng phiên chợ Tết trong vùng. Đợi ngày tạm ngừng chân đất nón mê tất tả lội đồng, sẽ rủ nhau đi sắm Tết.
Đêm tháng Chạp có âm thanh lộc cộc của những guồng xe tát nước. Trước đình làng, miếu xóm và các nhà thờ họ đều có ao thả cá, nên đêm tháng Chạp từ đầu làng đến cuối làng như cùng vang âm thanh hối hả của những guồng xe tát nước. Người ta tát đêm để kịp bắt cá bán phiên chợ sớm lấy tiền sắm Tết và tránh phải khó xử với lũ trẻ hôi cá, cùng họ cùng làng. Hôi cá là trò chơi vô cùng thích thú mỗi năm chỉ có một lần nên lũ trẻ háo hức đợi chờ. Ngày đi học mẹ gọi khan tiếng cũng nằm lỳ ngủ nướng. Nhưng đêm tháng Chạp cậu nào cũng tỉnh như sáo vì tiếng lộc cộc của guồng xe tát nước. Mong cho mau sáng để lội bùn hôi cá.
Tinh mơ tháng Chạp, xóm làng vang tiếng lợn kêu “eng éc”. Ngày thường, thỉnh thoảng mới có nhà bán lợn lo hiếu hỉ ma chay. Nhưng những ngày cuối tháng Chạp thì nhà nào cũng xuất chuồng để lo ba ngày Tết. Nhà thì “đụng” thịt với xóm giềng, họ hàng thân thích, nhà thì bán cho lái lợn. Tiếng lợn kêu khắp làng báo hiệu cho cái Tết đủ đầy của làng quê thuở ấy.
Đêm tháng Chạp vang rền tiếng ù ù của cối xay lúa, tiếng thậm thịch của chày giã gạo để những hạt thóc được chọn lựa kỹ càng cất giữ trong năm thành gạo ăn Tết, thành nếp thổi xôi, nấu chè, gói bánh chưng, bánh tét. Xa hơn nữa là để ra giêng được thảnh thơi không phải “đụng” đến cối đến chày mà vẫn có gạo ăn và cám để “vỗ” cặp lợn mới.
Tháng Chạp có tiếng vang khác lạ trên đường gạch làng quê. Không phải tiếng guốc mộc khô đục, tiếng giày “Gia định” lẹp xẹp quen tai của mấy vị chức sắc mỗi khi ra đình họp việc làng, mà là tiếng đế “giày tây” kêu lộp cộp, tiếng guốc “tân thời” khua lách cách của những người xa quê về ăn Tết. Âm thanh khác lạ này mỗi năm mỗi tăng khiến Tết làng quê mỗi năm lại đa dạng sắc màu, phong phú ẩm thực hơn những năm trước.
Tháng Chạp có âm thanh lao xao ngoài bãi mía. Tiếng người í ới gọi nhau, tiếng dao chặt mía, tiếng lọc cọc của những chuyến xe bò chở mía vào lò ép mật và chở đi các phiên chợ Tết trong vùng. Mía không chỉ tạo mật cho mùa Xuân, cung ứng nước giải khát cho mùa Hè, tạo hình trang trí cho mâm cỗ “trông trăng” mùa Thu... Mía còn là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết quê xưa. Cây mía có để chùm lá xanh cắt gọn dựng hai bên ban thờ là những “đòn gánh” để Ông Bà gánh lễ vật của con cháu cúng về sau lễ hạ nêu.
Tháng Chạp lò mật cuối làng có tiếng kêu ken két của cỗ máy ép mía thô sơ. Tiếng nước mía chảy vào nồi róc rách. Tiếng thở phì phì của con trâu đang lầm lì đi vòng quanh kéo cần trục quay cỗ máy. Không gian tháng Chạp làng quê dường như cũng quánh lại thành chất mật mía óng vàng. Mật để làm chè lam, bánh gai, nấu chè kho. Mật để ăn với bánh chưng, bánh giò, bánh đúc... Mật không thể thiếu trong những ngày Tết của làng quê thuở ấy.
Với lũ trẻ háu ăn, mật vô cùng “ấn tượng”. Nằm trong ổ rơm cùng người lớn canh nồi bánh chưng sôi ùng ục được mẹ cho củ khoai nướng thơm phức và chút mật nấu chè còn thừa, chúng nghĩ ngay đến “tháng củ mật” mà người lớn đang bàn về tháng Chạp là tháng được ăn khoai chấm mật. Cần gì hiểu ngữ nghĩa sâu xa. Trong trò chơi dân gian chả có khoai với mật đấy thôi: “Nu na nu nống/ Cái cống nằm trong/ Cái ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật...”!
Tháng Chạp quê xưa hối hả, ồn ào cho đến ngày 23 tháng Chạp. Sau ngày đưa ông Táo về Trời và lễ dựng nêu, những âm thanh này không còn lao xao náo nhiệt quanh lũy tre làng mà như đã được chắt lọc thanh thoát vút cao trên những cây nêu trồng trước mỗi sân nhà. Đó là hợp âm của những chiếc khánh sành, chuông nung cùng các lễ vật treo quanh cây nêu, tiếng rì rào của chùm lá tre xanh trên ngọn cây nêu, tiếng phần phật của giải phướn điều ghi những lời chúc phúc tung bay trong gió mới...
Nương theo gió trời bỗng lên cao. Bầy én nhỏ dọc ngang chao cánh dệt. Nắng hồng lên theo tháng Chạp gọi Xuân về.
ĐÀO QUANG BẮC