Quốc hội Anh mở đường Brexit
(Cadn.com.vn) - Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, nhà lãnh đạo này sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 để chính thức bắt đầu quá trình đàm phán đưa nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).
Những người biểu tình xuống đường ở thủ đô London của Anh, ủng hộ việc sửa đổi dự luật Brexit để đảm bảo tình trạng pháp lý của công dân EU. Ảnh: AFP |
Sau nhiều tuần tranh cãi, Quốc hội Anh ngày 14-3 chính thức thông qua dự luật Brexit, mở đường cho chính phủ kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để từng bước rời khỏi EU sau hơn 40 năm gắn bó. Giờ đây, nước Anh bước vào tiến trình hoàn tất các thủ tục “ly hôn” dự kiến kéo dài 2 năm với EU.
Việc dự luật được Quốc hội Anh thông qua sau nhiều tuần tranh cãi gay gắt đánh dấu chiến thắng quan trọng cho chính phủ Thủ tướng Theresa May. Bởi trước đó, đã có nhiều lo ngại dự luật khó được thông qua khi Hạ viện Anh đã phủ quyết 2 sửa đổi trong dự luật Brexit do Thượng viện đề xuất để đưa dự luật này trở lại cho Thượng viện thông qua. Trong 2 sửa đổi có yêu cầu về việc kêu gọi chính phủ Anh bảo vệ quy chế của công dân EU khi đàm phán Brexit đang diễn ra.
Dự luật này chỉ cần sự phê duyệt của Nữ hoàng Elizabeth II để chính thức trở thành luật. Và giờ đây, nhiệm vụ quan trọng đặt trên vai Thủ tướng May, với nhiệm vụ tìm kiếm lợi thế cho nước Anh trong cuộc “ly hôn” cay đắng này. Thách thức to lớn đang đặt ra trước mắt cho bà May khi chiến thắng tại Quốc hội lần này bị Bộ trưởng thứ nhất trong nội các Scotland Nicola Sturgeon hủy hoại. Hôm 14-3, bà Sturgeon đưa ra kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Scotland tách khỏi Anh vào năm 2018.
Thủ tướng May chỉ trích ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý như thế này và cảnh báo việc này sẽ chỉ tạo ra “sự chia rẽ và một tương lai không chắc chắn”. Chính phủ Anh có quyền ngăn cản yêu cầu của Bộ trưởng Sturgeon. Nhưng giới phân tích cho rằng, điều này chỉ càng kích thích chủ nghĩa dân tộc ở Scotland trỗi dậy. Tại cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên về độc lập vào năm 2014, người Scotland bỏ phiếu 55% ủng hộ ở lại Anh. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, người Scotland đang có xu hướng tách khỏi Anh và độc lập trở thành thành viên EU.
Đảng Dân tộc Scotland muốn tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 8 hoặc tháng 9-2018, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc Scotland trở thành thành viên độc lập của EU. London tất nhiên không muốn điều này, nhưng các chuyên gia nhận định, một cuộc trưng cầu dân ý như vậy gần như khó tránh khỏi, vấn đề chỉ là thời gian.
Việc Scotland thúc đẩy trưng cầu ý dân tách khỏi nước Anh đang làm phức tạp thêm tiến trình Brexit cũng như các cuộc đàm phán giữa London và EU. Thực tế này cho thấy, song song với việc giải quyết các thủ tục “ly hôn” với EU, Thủ tướng May sẽ phải đấu tranh để trì hoãn cuộc trưng cầu theo yêu cầu của Scoland cho đến sau khi nước Anh rời EU, tức là cho đến tháng 5-2019 hoặc sau thời điểm này.
Cùng với những khó khăn ở trong nước, chính quyền Thủ tướng May cũng đón nhận những cảnh báo mạnh mẽ từ Brussels rằng, Anh sẽ phải trả “hóa đơn ly hôn” tốn kém và đối mặt với những điều kiện khó khăn cho việc đi lại ở Châu Âu sau Brexit. Những cảnh báo này cùng với những dấu hiệu cho thấy Brexit đang đánh vào nền kinh tế Anh, tiếp tục thổi bùng lên những tranh cãi xung quanh bài toán khó giải này.
Vị thế đa số của phe Thủ tướng May tại Quốc hội rất mong manh. Vấn đề đặt ra cho nhà lãnh đạo này là cần tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn nữa để có thể giành chiến thắng cuối cùng trong “cuộc chiến Brexit”.
Khả Anh