Quốc hội Mỹ trước sức ép bãi bỏ Obamacare

Thứ bảy, 14/01/2017 07:36

(Cadn.com.vn) - Trước áp lực ngày càng tăng từ phía Tổng thống đắc cử Donald Trump, Quốc hội Mỹ quyết định bỏ phiếu về việc bãi bỏ Chương trình Chăm sóc Sức khỏe giá rẻ Obamacare - di sản để đời của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.

Phe Cộng hòa và Tổng thống đắc cử Donald Trump nhất quyết đòi bãi bỏ Obamacare. Ảnh: AFP

Obamacare đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi gay gắt trên chính trường Mỹ trong bối cảnh nước này chuẩn bị chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng vào ngày 20-1 tới.

Bất chấp những lo ngại về hậu quả đè nặng ngân sách và cả áp lực về việc tìm kiếm một đạo luật thay thế, đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Quốc hội, dưới sức ép của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đang nỗ lực nhanh chóng bãi bỏ Obamacare.

Trên thực tế, việc bãi bỏ Obamacare là ưu tiên hàng đầu của các nghị sĩ Cộng hòa chiếm đa số ở cả 2 viện cũng như của Tổng thống đắc cử Trump. Kể từ năm 2010, các nghị sĩ phe Cộng hòa  thực hiện hơn 50 cuộc bỏ phiếu về chương trình chăm sóc sức khỏe này nhằm tìm cách xóa bỏ hoàn toàn hoặc sửa đổi một phần Obamacare. Nguyên nhân phe Cộng hòa đưa ra là do Obamacare cho phép Nhà Trắng can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, gây tốn kém ngân sách và tổn hại cho tăng trưởng việc làm vì buộc nhiều doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động. 

Trong tuần qua, Tổng thống đắc cử Trump đã hối thúc các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội lập tức bãi bỏ Obamacare, nhất quyết rằng, không có lý do cho sự chậm trễ và cần triển khai một kế hoạch thay thế đạo luật trên trong vòng vài tuần. “Chúng ta phải bắt tay vào việc. Obamacare là một thảm họa”, ông Trump thẳng thừng nói.

Trước áp lực này, Thượng viện đã có bước đi cụ thể đầu tiên hướng đến việc hủy bỏ Obamacare khi đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ thị các ủy ban chủ chốt soạn thảo luật bãi bỏ chương trình này hôm 12-1. Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ 51/48 phiếu thuận và nay được chuyển sang Hạ viện - nơi có kế hoạch bỏ phiếu về vấn đề này trong ngày 13-1 (giờ địa phương).

Tuy nhiên, đã bùng nổ những tranh cãi quanh vấn đề này. “Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết vẫn chưa chắc chắn sẽ bỏ phiếu như thế nào”, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết. “Tôi không muốn bỏ phiếu bãi bỏ Obamacare vì có thể sẽ gây hậu quả ngân sách dài hạn”, nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Amodei nói.

Obamacare do Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama triển khai từ năm 2010, và được hàng triệu người dânMỹ hoan nghênh. Trong khi phe Cộng hòa cho rằng, Obamacare gây lãng phí ngân sách, một ủy ban ngân sách liên bang cho biết, bãi bỏ luật bảo hiểm y tế có chữ ký của Tổng thống Obama sẽ tiêu tốn chi phí khoảng 350 tỷ trong thập kỷ tới. Đảng Cộng hòa nhấn mạnh cần có một chiến lược thay thế Obamacare nhằm giúp giảm chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, họ không thể đồng ý về một kế hoạch thống nhất. Bởi trên thực tế, bãi bỏ Obamacare có thể tiết kiệm được 1.550 tỷ USD nhưng chi phí phát sinh để trang trải các chương trình y tế thời kỳ sau đó lên đến 1.900 tỷ USD. Những con số này cho thấy, ngân sách sẽ phải bù lỗ ít nhất 350 tỷ USD.

Ngoài ra, việc bãi bỏ Obamacare nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội nước Mỹ. Giới chuyên gia cảnh báo, với việc hơn 20 triệu người Mỹ đang được bảo hiểm y tế giá rẻ nhờ Obamacare, việc hủy bỏ chương trình này sẽ khiến các Cty bảo hiểm rút khỏi thị trường và nguy cơ gây bất ổn xã hội là không thể lường trước được.

Khả Anh